XÂY DỰNG KỶ LUẬT HỌC TẬP VỚI TRẺ CẤP 2/3

VẤN ĐỀ – NGUYÊN NHÂN – GIẢI PHÁP

 

Có một số bố mẹ đau đầu với tình trạng con không tự giác học nên mình viết bài này chia sẻ một số gợi ý về việc xây dựng kỷ luật với học sinh cấp 2/3. Có thể hữu ích với các bố mẹ ạ.

 

1-VẤN ĐỀ

Khi lên cấp 2, nhiều bạn nhỏ gặp phải một số vấn đề về học tập, cụ thể là:

1- Mất trật tự trong lớp

2- Bài tập về nhà ẩu, chất lượng kém

3- Điểm bài kiểm tra kém

Vấn đề 1 và 2 dẫn tới vấn đề 3.

Bố mẹ nhắc nhở nhiều lần nhưng vấn đề 1-2-3 vẫn lặp lại dẫn tới vấn đề 4:

4- Bố mẹ tức giận mất kiểm soát và sử dụng ngôn ngữ gây tổn thương và dùng hình phạt xâm phạm thân thể

Vấn đề 4 dẫn tới vấn đề 5 và 6:

5- Tổn hại mối quan hệ giữa bố mẹ và con, tăng khoảng cách, dẫn tới hai bên không còn hiểu nhau và dần xa nhau, trẻ lớn lên thiếu sự cố vấn từ bố mẹ và tìm sự cố vấn từ bạn bè nên có thể có những quyết định sai lầm, mối quan hệ bố mẹ con xấu đi kéo dài suốt cả cuộc đời

6- Con không có cơ hội thực tập kỹ năng giải quyết vấn đề và điều chỉnh hành vi, sau này vẫn không vượt qua được bản năng để tạo được các thói quen sống tốt

7- Con có xu hướng sử xung bạo lực để giải quyết vấn đề, dẫn tới hệ luỵ di truyền bạo lực sang cả thế hệ sau

 

2-NGUYÊN NHÂN

Giờ ta đi tìm nguyên nhân vì sao các bạn nhỏ lại có vấn đề 1-2-3.

 

2.1- THAY ĐỔI TÂM – SINH LÝ:

Ở giai đoạn này, trẻ có nhiều biến đổi tâm sinh lý từ trẻ con thành người lớn. Sự biến đổi này dẫn tới sự căng thẳng nhất định về tâm lý và dẫn tới các nhu cầu giao tiếp trao đổi với các bạn. Giai đoạn này trẻ cũng bắt đầu có sự quan tâm tới đối tượng khác giới và bắt đầu phát sinh những rung động tình cảm cũng như bắt đầu để ý tới ngoại hình và hình ảnh cá nhân. Những thay đổi này dẫn tới các vấn đề mới mà trước đây chưa gặp phải dẫn tới phân tán sự tập trung học tập do trong lớp còn mải ‘thổ lộ tâm tình’ hoặc ‘ngắm bạn này bạn kia’ hoặc ‘mơ mơ màng màng’. Những điều này là bình thường và những rung động này là cần thiết để trẻ dần hoàn thiện kỹ năng ứng xử với đối tượng khác giới và cảm xúc của bản thân. Rất cần bố mẹ tỉ tê tâm tình với con để con mở lòng chia sẻ cho bố mẹ biết còn tư vấn ‘quân sư quạt mo’ cho con. Bố mẹ có thể thi thoảng kể chuyện cho con về chuyện tình yêu bọ xít của mình và của các bạn hồi trẻ, có thể cùng con xem nhưng bộ phim phù hợp (VD: phim YES DAY có trên Netflix) hoặc cùng con đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh và trò chuyện về các mối quan hệ, mối tình trong đó để con dần dần phong phú hơn về kinh nghiệm cũng như về góc nhìn và dần bồi đắp ‘duyên’ trong giao tiếp.

 

2.2- DO NGHIỆN THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ

Việc trẻ được tiếp xúc với các thiết bị điện tử một cách thiếu kiểm soát là một mối nguy hại lớn. Thiết bị điện tử ở đây bao gồm: điện thoại thông minh, máy tính, TV thông minh bởi vì các chương trình giải trí trên đó: game, video, phim đều được AI tối ưu hoá để tăng thời gian sử dụng, tăng sự nghiện ngập, cùng với sự tương tác giữa các nhóm chat cùng chung hoạt động game, phim, video, tán gẫu, khiến cho trẻ bị hút vào đó quên mất thời gian. Kết quả là trẻ không còn thời gian để học nên học vội học vàng, học đối phó lớt phớt nên kiến thức đến rồi đi không đọng lại nhiều.

 

2.3- DO THIẾU KỸ NĂNG SẮP XẾP THỜI GIAN

Một số bạn thì không lên kế hoạch rõ ràng cho việc học dẫn tới sử dụng thời gian bừa bãi rồi lúc nào cũng thấy cuống cuồng chạy theo bài tập. Việc dồn bài tới hôm đi học mới làm cũng xoá sạch ấn tượng trong buổi học từ mấy hôm trước, dẫn tới thời gian làm bài ì ạch mà hiệu quả không cao. Não bộ có cơ chế xoá phần lớn thông tin nhận được sau 36h. Vì vậy, nên học bài sau hôm học trên lớp sẽ tối ưu hoá được hiệu quả ghi nhớ.

 

2.4- DO THIẾU KỸ NĂNG HỌC TẬP

Một số bạn mới từ cấp 1 lên chưa quen với tác phong học tập của cấp 2. Hoặc học vào một số môn mới, chưa quen với cách học nên còn bỡ ngỡ không hiệu quả. Hoặc một số bạn mới chuyển trường nên cũng có thể chậm thích nghi. Một số bạn chưa có thói quen ôn tập lại trước khi kiểm tra nên kết quả bài kiểm tra kém.

 

2.5- DO SỨC KHOẺ YẾU

Một số bạn không kiểm soát năng lượng tốt, nên bước vào lớp với trạng thái mỏi mệt (do vận động quá sức) hoặc khát (do vận động quá nhiều) hoặc đói (do chưa ăn đủ) nên mất tập trung trong giờ học. Một số bạn giữ ấm không hợp lý nên bị ốm dẫn tới lỡ bài học và trượt dài sau đó.

 

2.5- DO KỶ LUẬT BẢN THÂN YẾU

Ở giai đoạn này, trẻ đều hiểu rõ việc mình làm là nên hay không nên, nhưng vẫn không tự chủ được. (Việc này không dễ dàng với cả người lớn). Thành ra, cứ gây ra vấn đề 1-2-3 rồi về nhà tỏ ra rất ân hận hối lỗi với bố mẹ. Sau đó lại chứng nào tật nấy làm bố mẹ hết tin nổi. Thực ra, việc xây dựng kỷ luật bản thân nằm ngoài khả năng của trẻ. Chỉ có một số vô cùng ít trẻ có thể thay đổi hành vi sau lời nhắc nhở của bố mẹ. Còn phần lớn trẻ đều cần sự đồng hành của bố mẹ ở giai đoạn này.

3-GIẢI PHÁP:

GIẢI PHÁP 1: TRÒ CHUYỆN

Đầu tiên, bố mẹ cần ngồi xuống nói chuyện cùng con để thống nhất tư tưởng là:

1- Giai đoạn này con đang chuyển giao từ trẻ con sang người lớn và đang dần trở thành con người độc lập

2- Con người độc lập là có thể tự sắp xếp được mọi việc của mình. Cụ thể là: việc học tập (ở trường và học thêm), việc giải trí (game, thể thao, bạn bè) và việc nhà (kết nối gia đình, lao động).

3- Hiện tại, con đang gặp khó khăn về phần này. Bằng chứng là con đang không cân bằng tốt nên việc học hiện tại đang gặp vấn đề. Hiện con không tự mình giải quyết được (bằng chứng là vấn đề lặp lại kéo dài, bố mẹ nhắc nhở không hiệu quả). Đây là điều bình thường, ai cũng gặp phải, người lớn cũng gặp vì có nhiều điều ta biết là không nên làm mà không thắng được bản năng nên cứ làm, mình biết nghiện game không tốt nhưng mình cứ bị nghiện do người ta đã thiết kế game cho việc đó. Vì thế, bố mẹ mới phải ngồi cùng con để tìm giải pháp khắc phục điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp.

4- Khi con có thể cân bằng và kiểm soát tốt hoạt động của mình một cách độc lập, tức là con trưởng thành hơn, thì bố mẹ không cần giám sát gì nữa, con có sự tự do làm gì thì làm vì khi đó bố mẹ yên tâm là con đã biết sắp xếp mọi việc ổn thoả rồi. Con càng trưởng thành nhanh thì càng sớm tự do. Người tự kiểm soát được mình sau này sẽ có thể làm sếp hoặc chuyên gia, người luôn cứ phải để người khác giám sát thì chỉ làm ra sản phẩm kém và chỉ làm nhân viên thôi. Làm nhân viên không xấu, nhưng mình cần có cả trải nghiệm nhân viên, chuyên gia và quản lý thì cuộc sống sẽ phong phú hơn.

5- Hành trình từ giờ đến lúc đó cần một khoảng thời gian, có thể mình phải áp dụng một vài hình thức kỷ luật gây khó chịu cho con một chút, nhưng mà nó là cần thiết để mình có hành vi đúng.

6- Nếu bố mẹ không đồng hành cùng con lúc này thì con sẽ bị AI dẫn dắt và chìm đắm trong game và YouTube, việc học bỏ bê dẫn tới sau này không có năng lực gì => không tự nuôi được bản thân => gặp ai cũng xấu hổ vì mình là đồ ăn bám, đồ vô dụng => cảm giác ấy vô cùng tệ con ạ. Bố mẹ có thể lấy cụ thể ví dụ một người quen mà mình biết có hậu quả như vậy cho cụ thể.

 

GIẢI PHÁP 2: CÙNG XÂY DỰNG HÌNH THỨC KỶ LUẬT

1- Mời con tham gia vào quá trình xây dựng kỷ luật gồm 2 phần: một là: điều kiện kích hoạt kỷ luật và hai là hình thức kỷ luật.

Lưu ý để con hiểu là kỷ luật nhằm mục đích tốt đẹp để con trưởng thành và nó giống như pháp luật, không liên quan tới tình cảm bố mẹ và con.

Về điều kiện kích hoạt kỷ luật, có thể là khi xảy ra một số điều sau:

– Điểm bài kiểm tra dưới một mức nào đó

– Vi phạm kỷ luật: nói chuyện riêng ở lớp, thầy cô giáo phàn nàn

– Chất lượng bài tập kém, ẩu

– Vứt quần áo lung tung…

– Quên khăn quàng đỏ, quần áo, đồng phục, mất khẩu trang…

– Nói bậy, đánh nhau…

Lưu ý: nên áp dụng kỷ luật dần dần từng bước một trong quá trình thử nghiệm, không nên áp nhiều kỷ luật ngay từ đầu tránh gây sốc cho cả bố mẹ và con do chưa quen và tâm lý chống đối.

Lưu ý: hình thức kỷ luật cần có thời hạn (1 tuần, 1 ngày, 3 ngày, 2 tuần, hết tháng…) để mang tính khả thi: nói là làm. Không nên áp dụng hình thức: cấm tuyệt đối hay doạ đập ipad, doạ đuổi ra khỏi nhà vì nó không thể thực hiện được và làm giảm trọng lượng lời nói của cha mẹ.

Về hình thức kỷ luật, cần đánh vào một quyền lợi hay một hoạt động mà con thích làm. Ví dụ:

– Cấm chơi game/YouTube 1 tuần

– Cắt tiền tiêu vặt 1 tuần (nếu trẻ không có tiền tiêu vặt thì có thể áp dụng mỗi ngày cho 10K/20K để trẻ có thông minh tài chính và có quỹ để còn bị phạt

– Cắt một ngày không cho xuống đá bóng với các bạn (hết sức cân nhắc với hình phạt này vì nó hạn chế việc thư giãn thể thao và kết nối lành mạnh với trẻ. Trẻ sẽ phản ứng dữ dội. Bố mẹ cần đợi trẻ bình tâm rồi lát sau mới nói là: bố mẹ cũng không muốn thế đâu nhưng mà các hình thức trước hiện không hiệu quả nên mới phải kết hợp thêm hình thức này, mong con sớm điều chỉnh. Mục đích để mình chiến thắng con quỷ bản năng bên trong người mình con ạ.)

– Bắt chép gấp đôi lượng bài tập bị thiếu/kém/ẩu

Lưu ý: song song quá trình phạt vẫn cần có việc thưởng. Ví dụ:

– đọc xong một cuốn sách: thưởng 15-30 phút game

– đạt điểm cao ở lớp: thưởng 30 phút game

– được khen: thưởng 15-30 phút game

– làm việc nhà, làm việc tốt giúp người…

Lưu ý: các hoạt động giải trí của trẻ là cần thiết để trẻ phát triển và thư giãn. Trẻ rất hạnh phúc lúc được chơi. Chơi đủ no nê thì học mới tập trung được.

Lưu ý: game chỉ là một ví dụ về phần thưởng mà trẻ thích thôi, bố mẹ có thể trao đổi với trẻ để có phần thưởng phù hợp ạ.

 

GIẢI PHÁP 3: TRAINING CÁC KỸ NĂNG

Chỉ áp dụng kỷ luật thôi thì không đủ, bố mẹ cần hướng dẫn con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Tương tự với nhân viên kém thì cần được đào tạo mới thực hiện được công việc.

Ví dụ 1: Nếu con thiếu bài hoặc chất lượng kém. Bố mẹ có thể hỏi các câu hỏi sau:

1- Con đã làm đủ bài chưa?

2- Con đã đối chiếu bài làm với các yêu cầu trong danh mục bài tập chưa?

3- Đâu, con mang ra đây cho bố/mẹ xem. Nếu bố mẹ kiểm tra thiếu thì sẽ bị phạt nhé?

Trong nhiều trường hợp, con sẽ trả lời bừa với câu 1 và câu 2. Đến câu 3 là sợ ngay hoặc mở ra thì bố mẹ chỉ cho con thấy ngay còn sót chỗ nào. Khi con thấy vấn đề rồi thì sẽ biết cách điều chỉnh. Chỉ cần học đủ yêu cầu thì học gì cũng giỏi.

Đây là trường hợp lỗi sai quy trình học tập. Chỉnh lại là giỏi.

Ví dụ 2: Con kêu không kịp làm bài do nhiều bài quá.

Bố mẹ đừng vội tin ngay. Thay vào đó, bố mẹ hỏi: cụ thể nhiều là nhiều thế nào? Mang ra đây nào? Cần bao nhiêu lâu cho bài này? Con sắp xếp thời gian nào để làm? Vậy theo con phải chỉnh lại lịch thế nào cho đủ bài?

Trong cuộc sống ai cũng có lúc bị rối lên và không kịp làm đủ nhiệm vụ. Nhưng có một sự thật là: việc ít mà không sắp xếp thì cũng không thể hoàn thành, việc nhiều mà biết sắp xếp thì đều làm được đủ. Nếu có kỹ năng thay đổi lịch linh hoạt với hoàn cảnh thì sau này con có thể cân bằng tốt việc học, việc chơi và việc làm.

Cao thủ là luôn đủ bài mà lúc nào cũng ung dung có thời gian chơi và thư giãn.

 

GIẢI PHÁP 4: UPDATE HÌNH THỨC KỶ LUẬT

Nếu các hình thức kỷ luật áp dụng rồi mà vẫn không thấy cải thiện hành vi. Bố mẹ cần ngồi xuống nói chuyện với con xem vì sao lại như vậy? Giải pháp sẽ là gì? Sau đó, điều chỉnh bổ sung hình phạt tăng thêm một mức với lời hứa sẽ nới lỏng ngay khi thay đổi tốt hành vi.

Bằng các giải pháp này, từng bước con sẽ xây dựng được tính kỷ luật theo khuôn khổ một cách logic, bố mẹ thì luôn bao dung đồng hành, dần dần trẻ sẽ có tiến bộ trong học tập và trẻ sẽ tự nhìn thấy kết quả học tập tiến bộ. Khi đó, trẻ sẽ có động lực bên trong để hình thành tác phong kỷ luật và tự lập, sẽ thấy hạnh phúc của việc tự do, tự chủ. Bố mẹ cũng yên tâm về con hơn.

Lưu ý: Với bài kiểm tra Tiếng Anh ở lớp của thầy thì có độ khó và độ phân loại cao để áp dụng cho cả học sinh giỏi và kém. Nên có nhiều trường hợp con điểm kém ở lớp của thầy nhưng ở trường điểm vẫn cao 8-9 do có được phương pháp học hay cách tư duy rõ ràng mạch lạc. Những tiến bộ cần được ghi nhận và khen thưởng kịp thời.

Thầy vẫn đang áp dụng các giải pháp này với bé nhà thầy. Một số phụ huynh áp dụng và cũng thấy con có biểu hiện tốt: từ thiếu bài đã đủ bài, từ chất lượng kém đã dần dần đạt yêu cầu và có tiến bộ trong kết quả ở trường.

Bố mẹ thử đọc lại bài này 3 lần và áp dụng xem nhé. Ai có ý kiến gì thì comment thêm cho mọi người nhé.

Chúc bố mẹ đồng hành cùng con thành công trong hành trình này nhé. Khi xong được kỷ luật, ta mới có thời gian đồng hành về tương tác tình bạn, tình yêu và ước mơ lý tưởng.

Thầy HOÀNG

OLOGY

Xem thêm chia sẻ của thầy ở đây:

    Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/ 

    Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends 

    YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish

    Cộng đồng phụ huynh: https://zalo.me/g/sosvra467 

Bài viết cùng danh mục