Học thật, làm thật
HỌC THẬT, LÀM THẬT
Suốt gần 20 năm làm về đào tạo, khi quan sát người trẻ học tập, làm việc và phát triển bản thân, mình nhận thấy rằng các cao thủ đều có đặc điểm chung là: HỌC THẬT, LÀM THẬT. Còn những bạn chưa thành công thường là chỉ CÓ VẺ NHƯ HỌC hoặc CÓ VẺ NHƯ LÀM hoặc HỌC KHÔNG ĐẾN NƠI hoặc LÀM KHÔNG TRỌN VẸN. Thói quen mình xử lý một nhiệm vụ dù là học hay là làm thì cũng đều phản ánh con người mình và sẽ quyết định số phận. Ở đây mình chia sẻ một vài ngẫm ngợi về việc này.
Có bạn trẻ tham dự một khoá học lúc đầu rất hào hứng, nhưng không sắp xếp việc học vào thời gian biểu của mình. Mà cuộc đời thì dù có ít việc đến mấy mà ta không sắp xếp thì cũng không thể hoàn thành được. Thành ra bạn không có đủ thời gian để học thế là học không đều hoặc học vội vội vàng vàng để đối phó hạn nộp bài. Học với tâm thế đó thành ra chẳng thể để ý gì đến những hướng-dẫn-học-tập (mà đi học quan trọng nhất là học điều này - học phương pháp) thế nên kết quả không được bao nhiêu. Từ đó mà các tiêu chí hoàn thành bài tập không để ý để hoàn thành đầy đủ. Mà trong cuộc đời 1+1 thì sẽ bằng 2. 1+1 thì không thể bằng 10 được. Tiến bộ của ta là kết quả tương ứng với những nỗ lực nghiêm túc của mình. Và vì học tập không đúng quy trình và phương pháp nên không có kết quả đáng kể. Việc này cũng giống như uống thuốc không theo chỉ định của bác sỹ thì sẽ nhờn thuốc thậm chí bệnh còn trầm trọng hơn và tử vong. Khi không thấy hiệu quả đáng kể thì trong lòng sẽ hoài nghi và sẽ hoang mang không biết có đúng không rồi lại đứng núi này trông núi nọ xem có con đường khác 'đúng' hơn, nhanh hơn, tốt hơn không.
Và đó là lý do vì sao nhiều người cứ học hết khoá Tiếng Anh này đến khoá Tiếng Anh nọ tới cả chục năm mà rồi cũng chẳng đi đến đâu cả. Đó là vì ta chưa HỌC THẬT. Thế rồi sau những lần không thành công ấy, ta đi đến kết luận là ta sinh ra không phải để học Tiếng Anh hoặc ta đánh giá nền giáo dục chất lượng kém hoặc ta đổ lỗi cho cuộc đời đã mang tới qua nhiều áp lực và sự bận rộn. (Ô kìa, cuộc đời ai mà chẳng đầy sóng gió, có người bị vùi dập, nhưng cũng có nhiều người ngược gió mà bay lên.)
Đó là một câu chuyện điển hình của việc HỌC KHÔNG THẬT thì KẾT QUẢ SẼ KHÔNG THẬT.
Câu chuyện của người HỌC THẬT là khi bắt đầu một khoá học - thì họ coi đó là một dự án phát triển bản thân quan trọng. Họ lên lịch của mình cho việc học tập. Nói cách khác, trong thời gian diễn ra dự án học tập này, cuộc sống của họ có thay đổi đáng kể vì thêm một hoạt động mỗi ngày. Người HỌC THẬT, học cả kiến thức chuyên môn lõi, học cả phương pháp học, học cả từ những chia sẻ dặn dò bên lề, học từ đồng đội. Họ tập trung để học được 100% những gì nhận được trong khoá học. Nhưng cuộc đời không là mơ và việc học không dễ dàng như uống trà sữa. Việc học thực tế là quá trình liên tục trải nghiệm những điều mới, tình huống mới mà trong đó người học bị đặt vào thế bất lực, thất bại, kém cỏi vì năng lực hiện tại không giải quyết được vấn đề mới - từ đó mà mới có động lực bổ sung tư duy, kiến thức, kỹ năng mới để phát triển lên tầm mới đủ để giải quyết được vấn đề. Đó là một hành trình liên tục liên tục. Những người HỌC THẬT họ học cả những trải nghiệm trong phút yếu lòng, học cách ngã sao cho đủ đau để nhớ, học cách tự đứng lên, học cách vịn vào ai đó để đi tiếp, hoặc vịn vào một niềm tin, một mục tiêu, một ước mơ hay tình yêu thương dành cho người thân để tiếp tục tiến về phía trước. Họ học cách thích nghi, cách giải quyết từng vấn đề, cách tuân thủ quy trình chuẩn, cách hành động liên tục và không ngừng nâng cấp phương pháp thực thi. Những người này sau này làm gì cũng sẽ đều có thành tựu.
Khi nhìn một sản phẩm của ai đó (vở ghi, bài nói, bài viết) là ta sẽ thấy phần nào về con người ấy. Một người HỌC THẬT thì sản phẩm của họ sẽ phản ánh đầy đủ các sắc thái, khía cạnh mà họ mới học được. Một người HỌC KHÔNG THẬT thì sản phẩm sẽ cẩu thả, hời hợt và không thể hiện trọn vẹn được các phẩm chất mà lẽ ra họ hoàn toàn có được nếu thực sự để tâm đến từng chi tiết bé nhỏ.
Việc làm việc cũng vậy, cũng giống như việc học. Nếu không LÀM THẬT thì ta sẽ chỉ tạo ra những sản phẩm lỗi, không hoàn chỉnh - những sản phẩm lạnh lùng vì không có sự tâm huyết truyền vào trong đó. Và cuộc đời rất công bằng, dù sản phẩm lỗi ấy có được trang trí hay phủ lên những lớp vỏ bọc hào nhoáng thế nào thì rồi đến một lúc nào đó ta cũng sẽ nhận ra được thực tế rằng sản phẩm lỗi ấy không mang lại giá trị cho cuộc đời và ta đang dùng những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp này để làm ra những sản phẩm vô dụng ấy. Có người khi làm lâu năm lên vị trí cao rồi bất lực nhìn cơ hội trôi qua khi mình không có đủ năng lực ngôn ngữ để giao tiếp với các đối tác quốc tế, không thể tự bổ sung kiến thức của nhân loại vì ngôn ngữ không đủ dùng. Sếp đã thế thì nhân viên cũng ít nhiều bị giới hạn theo. Bố mẹ đã thế thì con cái cũng ít nhiều bị hạn chế theo.
Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nói rằng: 'ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật'. Nghe qua, ta thấy đó như là việc của 'ai đó' có thẩm quyền hoặc công tác trong ngành. Nhưng mà thực ra, tất cả mọi người đều liên quan tới điều này, vì chủ thể quan trọng nhất của quá trình giáo dục - đào tạo chính là NGƯỜI HỌC - là chính chúng ta. Chỉ cần ta HỌC THẬT, LÀM THẬT đến cùng dù đi theo con đường, phương pháp nào thì ta cũng sẽ có được KẾT QUẢ THẬT, NĂNG LỰC THẬT và mang lại GIÁ TRỊ THẬT cho cuộc đời.
Thầy HOÀNG
OLOGY
On-going Learning & On-going Growing Yourself
Một lợi ích bên lề của việc HỌC THẬT, LÀM THẬT là khi hoàn thành một hành trình rồi, mình sẽ thấu hiểu đầy đủ thời gian cần thiết để có được một thành tự đáng tự hào. Từ đó mà mình lập kế hoạch và tiến hành một cách bài bản chứ không còn tâm lý là: em muốn học GẤP, em muốn học được là áp dụng được luôn... và tránh được các bẫy marketing giăng ra mời gọi 'Luyện cấp tốc trong vòng N tháng'
Xem thêm chia sẻ của thầy ở đây:
Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/
Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends
YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish
Ảnh minh hoạ thầy nhận quà thủ khoa đầu vào chương trình thạc sỹ Master of TESOL của Victoria University