Rèn luyện kỷ luật bản thân
Có bạn trẻ lớp IELTS ONLINE hỏi mình về việc rèn kỷ luật bản thân nên mình chia sẻ một vài suy nghĩ nhé. Đây là câu hỏi hỏi của một bạn nam sinh năm 2000 đang học ĐHBKHN.
HỎI: … thưa thầy, em thấy bản thân mình h đây đôi lúc làm được nhiều thứ nhưng có những ngày lại không làm được gì nhiều, em nghĩ rằng vấn đề của mk ko phải do mk chán mà mk thích làm nhiều thứ quá cả tốt và thói quen xấu, có vẻ em đang thiếu nội lực và đặc biệt là tự kỉ luật bản thân giống như nhiệm vụ trong khóa học hàng ngày với hình phạt khó khăn thúc đẩy em làm nó. Vậy thầy có thể chia sẻ cho em một số cách để rèn luyện sự tự kỷ luật bản thân ko ạ…
ĐÁP:
Thực ra, thầy nghĩ rằng em vào được Đại học Bách Khoa Hà Nội là em đã có được năng lực tự kỷ luật bản thân đáng kể cũng như tư duy tốt. Việc băn khoăn về năng lực tự kỷ luật của bản thân cũng là dấu hiệu em đang trưởng thành và có mong muốn nâng cấp bản thân mình – đó là đặc điểm thường thấy của cao thủ.
Việc rèn kỷ luật bản thân có lẽ là một hành trình suốt cả một cuộc đời. Nhưng nếu ai đó làm được từ sớm thì sau này sẽ sớm có được thành công. Cựu Thủ Tướng Singapore từng nói: “If you want to reach your goals and dreams, you cannot do it without discipline.” Nếu bạn muốn đạt mục tiêu và ước mơ cuẩ mình, bạn không thể làm nổi nếu không có tính kỷ luật. Thật vậy, trong quá trình quan sát cách học tập và làm việc của nhiều người trẻ, thầy thấy ai có tính kỷ luật tốt đều có sự phát triển ổn định vững chắc.
Tính kỷ luật hiểu đơn giản chỉ là việc thực hiện cam kết của mình dù điều gì xảy ra đi nữa. Thực hành nó rất đơn giản chỉ là giữ lời hứa thôi. Em có thể áp dụng nó trong tình bạn. Ví dụ: khi mình đã có lịch hẹn với bạn thì dù mưa gió thế nào mình cũng sẽ đến nơi. Với thầy, mỗi dịp hẹn gặp người bạn nào đó là thầy sẽ chờ mong từ trước đó cả tuần rồi. Có lần, thầy có người bạn hẹn nói chuyện trao đổi về chuyện hợp tác, gần đến giờ hẹn thì trời bắt đầu đổ mưa, anh nhắn tin chuyển lịch sang hôm khác, thầy thì sau đó không gặp anh ấy để bàn công việc nữa vì chỉ một cơn mưa đã có thể làm người ta thay đổi kế hoạch thì làm sao đứng vững nổi trước bão táp cuộc đời.
Có lần khác, thầy hẹn lịch gặp trao quà cho một cao thủ Tiếng Anh ở trung tâm. Hôm ấy, trời mưa, thầy vẫn theo lịch hẹn đến trung tâm ngồi đợi. Quá giờ 30 phút không thấy bạn ấy đến. Thầy gọi hỏi bạn bảo trời mưa xin chuyển sang hôm khác. Và không có hôm khác ấy nữa.
Hồi còn đi học cấp ba, thầy thấy có lần Hà Nội mưa to, các bạn nghỉ học gần hết ở lớp học thêm. Chỉ có ba bạn đến lớp, trong đó có thầy. Thế là thầy giáo không dạy học mà ngồi kể chuyện. Thầy và các bạn được nghe những điều mà cả lớp không ai được nghe từ thầy giáo. Lúc ấy, thầy mới thấy à hoá ra những lúc mọi người xao nhãng, mình càng phải tập trung thì mới học được điều mà những người bỏ cuộc không bao giờ có được.
Thầy mang tinh thần ấy lên giảng đường đại học. Đầu học kỳ, các bạn ai cũng hồ hởi học Tiếng Anh. Rồi đến kỳ thi là các bạn mải lo ôn thi bỏ học Tiếng Anh hết. Thầy thấy: ồ, mọi người không học nữa thì mình càng phải duy trì việc học Tiếng Anh mới có lợi thế sau này. Thế là thầy vẫn học Tiếng Anh đều đặn dù bận học chuyên môn. Ra trường, thầy được làm trong môi trường quốc tế và có mức lương khởi điểm trong nhóm cao nhất lớp.
Hồi sinh viên, thầy tham gia câu lạc bộ Tiếng Anh của trường. Có một lần câu lạc bộ tổ chức sự kiện vào đúng dịp thi quan trọng. Mấy người bạn bỏ không tham dự vì họ bận. Thầy chỉ đơn giản lầ thấy mình không thể bỏ đồng đội vào thời điểm ấy được. Người càng mỏng, mình càng phải chung vai san sẻ việc cùng leader và bè bạn. Thế rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó.
Có lần nhóm của thầy có cơ hội dịch tài liệu cho trung tâm HITECH của trường trong một dự án Nhà máy nhiệt điện. Họ giao việc lần đầu 1 vạn trang vào giữa kỳ thi. Có anh bạn trong nhóm muốn rút vì sợ không có thời gian ôn thi thì mất học bổng. Thầy và các bạn còn lại chiến tiếp, nghỉ cả học trên trường gần hai tuần làm đêm làm ngày cho kịp, phải thi lại một môn nhưng lúc đó thầy nghĩ: thi có thể thi lại, cơ hội lần đầu làm việc với họ không có lần thứ hai trong cuộc đời. Kết quả là sau đó nhóm thầy được đánh giá cao, được lên đó làm nghiên cứu rồi ra trường được vào tập đoàn toàn cầu làm việc.
Nếu thầy dừng lại ở những lần như thế thì đã không có được ngày hôm nay, không có được một tuổi trẻ đầy ý nghĩa. Tính kỷ luật, tính cam kết sẽ mang tới cho mình những trải nghiệm xứng đáng. Em thử xem sao, cứ thử giữ lời bằng mọi giá nhé.
Có một lần, thầy có một lớp học đến sát Tết, đến buổi cuối cùng trúng vào ông Táo. Thế mà cả lớp vẫn đi đủ, chẳng ai về quê cả. Thầy hôm ấy đi quay video clip cả ngày với các thầy cô ở trung tâm chạy vội về dạy học mặc nguyên bộ quần áo dài ông đồ. Lớp ấy năm ấy có rất là nhiều cao thủ khi đi thi thật – có thể vì các bạn có tính kỷ luật đến buổi cuối cùng.
Có lần có bạn học viên đến lớp trông mệt mệt, thầy hỏi han, bạn bảo em đang sốt nhưng không muốn lỡ buổi học. Thầy lúc ấy khá là xúc động. Nếu bệnh tật không ngăn nổi em ấy thì em ấy có thể đạt được mọi mục tiêu. Sau đó, bạn thành cao thủ TOEIC thật. Sau này, cũng có nhiều bạn khác như vậy. Có bạn đang học ôm bụng nhăn nhó vì đau dạ dày nhưng vẫn đi học đều đặn rồi thành cao thủ IELTS được dán ảnh lên tường làm gương cho các bạn.
Có lần có bạn học viên hôm nào cũng phải đến muộn 30 phút do tan làm muộn. Thế là lỡ phần kiểm tra miệng. Nhưng mà bạn không nghỉ buổi nào cả, thầy hỏi kiểm tra bài bất chợt bạn đều trả lời vanh vách. Sau này, bạn thành cao thủ được in vào trong giáo trình của trung tâm làm gương.
Có lần có bạn học viên về quê cuối tuần mang máy tính laptop về luyện nghe mà máy bị hỏng. Tưởng bạn bỏ cuộc, nhưng không, bạn mượn máy tính của anh để học nhưng mạng bị hỏng. Tưởng bạn bỏ cuộc, nhưng không, bạn sang nhà hàng xóm nhờ mạng để tải tài liệu về rồi máy của anh bị virus. Tưởng bạn bỏ cuộc nhưng không, bạn lại sang tải vào máy điện thoại để nghe, nhưng bạn quên mang sạc về nên hết pin. Tưởng bạn bỏ cuộc nhưng không, bạn mượn máy điện thoại của người thân để nghe. Hôm lên Hà Nội học bạ vẫn thuộc bài đầy đủ. Tính kỷ luật giúp ta vượt qua mọi khó khăn để đạt tới mục tiêu của mình.
Ngược lại, thầy có anh bạn rất giỏi về nhiều mảng. Tuy nhiên, anh cứ khởi sự với dự án khởi nghiệp nào là thất bại với dự án đó. Thầy đi bên cạnh quan sát và thầy hiểu anh ấy gặp vấn đề ở đâu. Đó là thiếu tính kỷ luật, thiếu cam kết. Khi làm một dự án như thế, thường sẽ phải gặp mấy chục lần bế tắc khó khăn và phải tháo được mấy chục nút thắt ấy mới xong được. Anh ấy thì thường gặp vài khó khăn đã dừng và chuyển sang hướng khác. Thầy không giỏi như anh ấy đâu. Thầy cứ lặng lẽ đi tiếp, gỡ tiếp các nút thắt dù chậm nhưng cuối cùng cũng đến đích.
Vậy làm thế nào để rèn tính kỷ luật cho bản thân?
Thời trẻ trâu (giờ thầy vẫn áp dụng), thầy thường tuyên bố công khai các mục tiêu của mình cho mọi người xung quanh biết. Thế là mình có áp lực phải cố gắng mà thực hiện không sẽ bị mất mặt. Có lần anh bạn thân bảo thầy: nổ vừa thôi để còn có đường lùi. Nhưng thầy cứ nổ để cho không còn đường lùi mà phải tiến. Thực tế là cũng có lần thầy không thực hiện được mục tiêu, nhưng đa số là đạt được. Nếu mà không tuyên bố chắc là không đạt được tí nào.
Có một cách khác nữa là tìm hiểu về cách duy trì động lực và áp dụng. Có lần thầy tham gia thử thách chống đẩy 22 ngày liên tục, mỗi ngày 22 cái, quay video up lên mạng. Để không bị chấn thương, thầy phải lên mạng tìm hiểu và áp dụng cẩn thận. Mấy ngày đầu mọi người còn quan tâm comment này nọ. Mấy ngày sau thì chẳng ai quan tâm. Chỉ còn ta với ta thôi. Thế thì mình làm sao để tạo động lực đây? Thầy tìm cách đổi mới qua từng video để tự tạo cảm hứng cho mình. Cụ thể là mỗi ngày thầy lại thay đổi chống đẩy vào những thời điểm khác nhau, những phòng khác nhau, những góc quay khác nhau với trang phục khác nhau… Rồi thầy thay đổi các app video khác nhau, hiệu ứng khác nhau, nhạc nền khác nhau… Rồi thì thầy lại thêm vào video đó các câu Tiếng Anh để tự truyền động lực cho chính mình về tầm quan trọng của sức khoẻ, về sự kiên trì, về sự đều đặn… (may thế nào về sau đi thi IELTS lại dùng được các câu ấy mà Speaking được 8)… ngày cuối cùng của dự án chống đẩy 22 ngày là thầy chống đẩy ở một khách sạn ở khu Bugis ở Singapore vào đúng ngày mồng 1 Tết (năm ấy thầy ăn Tết ở Singapore). Kết thúc thử thách thấy mình tự tin hơn hẳn luôn. Các video ấy vẫn còn trên FB và trên YouTube.
Rồi thầy lại thử rèn luyện tính kỷ luật bằng những hoạt động khác. Ví dụ: hoạt động chạy bộ chẳng hạn. Thầy bắt đầu bằng việc tìm hiểu phương pháp. Có học sinh gửi tặng sách và dặn cẩn thận chấn thương. Thầy lên mạng tìm hiểu kỹ. Quan trọng là không được chấn thương và đều đặn. Rồi thầy đặt mục tiêu mỗi ngày phải có thêm điều mới. Ví dụ: mỗi ngày thay đổi cung chạy khác nhau, có ngày quan sát thấy cảnh vật có vẻ đẹp khác nhau, có ngày chạy địa hình thay đổi khác nhau… thầy đi du lịch trong giai đoạn ấy nhưng vẫn chạy ở resort ấy. Vẫn còn lưu lại các bài post nhật ký OROGY trên Facebook. Sau một thời gian, thầy dừng chạy vì một số lý do nhưng thành tựu là vợ thầy thấy thầy chạy nên dần cũng dậy sớm theo và rồi đạp xe cùng thầy mỗi ngày. Việc đạp xe Hồ Tây hàng ngày thì dễ duy trì hơn vì có người đồng hành và cảnh vật buổi sáng thay đổi đa dạng khác nhau mỗi ngày.
Sau đó, thầy lại thử áp dụng kỷ luật với việc thay đổi chế độ ăn và giảm cân thành công từ 77kg xuống 64kg. Rồi thầy áp dụng thành công để có thói quen ngồi thiền đều đặn và dậy sớm mỗi ngày.
Túm lại, một vài lưu ý để rèn tình kỷ luật là:
1-Giữ lời, nói là làm, đi đến cùng, với tinh thần: không gì cản nổi việc anh đến bên em
2-Đặt mục tiêu, tuyên bố khắp nơi
3-Tìm hiểu phương pháp chuẩn
4-Tìm hiểu các yếu tố gây gián đoạn và giải pháp
5-Khi thấy chán cần đổi mới mỗi ngày
6-Tập trung vào những điều mới mình học được mỗi ngày
Em thử áp dụng xem nhé. Thành công một lần là thử được với nhiều lần sau đó.
Thầy HOÀNG
OLOGY
Xem thêm chia sẻ của thầy ở đây:
Facebook: https://www.facebook.com/hoangology/