Mẹ stress vì con lười học

Con thi hết cấp đến nơi rồi mà không tự giác học hành làm mẹ stress đến điên đầu. Mẹ đi làm cả ngày rồi tối về lại thấy con cứ nhẩn nha nhẩn nhơ lúc nào cũng thấy len lén chơi game. Bài khảo sát vừa rồi môn tiếng Anh thì OK chứ toán và văn tệ quá, mà còn vài tháng nữa là thi rồi. Cầm kết quả mà mẹ nổi điên lên, ‘gầm gào’ mắng mỏ thậm tệ mà mặt con cứ trơ ra vô cảm làm mẹ thấy cứ như đang đấm vào tường ấy. Bước ra khỏi phòng mà mẹ mệt rũ, chảy nước mắt khóc thầm nức nở vì tủi thân, vì vất vả ngược xuôi kiếm sống mà con mãi không trưởng thành và chủ động học hành.

Gần đây, mình thấy nhiều phụ huynh trải lòng câu chuyện này với cảm giác bức xúc đan xen sự bất lực.

Thực ra, để giải quyết vấn đề thì điều căn bản là phụ huynh không nên coi con là ‘thủ phạm’ mà là ‘nạn nhân’ là ‘người cần giúp đỡ’. Khi đó, phụ huynh mới bước ra khỏi cảm giác mình là nạn nhân để vào vai người hỗ trợ con. Tiếp đó là trao đổi với con để hiểu rõ vấn đề và tìm giải pháp.

Khi trao đổi với các bạn nhỏ này, mình thấy các bạn ấy đang gặp ba vấn đề:

1-không có cảm hứng học

2-bị hổng kiến thức từ trước

3-khó khăn trong việc tự giác

Một điều tích cực là các bạn này hiểu rõ mình đang gặp vấn đề gì, chỉ là không biết phải làm thế nào. Điều quan trọng là phụ huynh nên tranh thủ cơ hội (khó khăn này) để giúp các con phát triển bản lĩnh, năng lực học tập dưới áp lực.

1-Về cảm hứng học

Có một sự thật là: nếu chọn giữa chơi và học (làm) thì ai mà chẳng chọn chơi. Nhưng trong cuộc sống mình phải làm ti tỉ việc mà mình không muốn. Ví dụ: ngày nào mình cũng phải đánh răng rửa mặt dù có muốn hay không, hoặc ngày nào hàng triệu học sinh vẫn phải đến trường học nhiều môn dù có muốn hay không. Câu hỏi ‘mình không có hứng thì sao’ không quan trọng, câu hỏi quan trọng là ‘làm sao để học giỏi môn này’ và từ đó bắt tay vào học. Ở giai đoạn này, các con được toàn tâm toàn ý cho việc học thì cần phải phát triển năng lực học tập để sau này còn học nhiều điều khác nữa. Túm lại là hãy quên câu hỏi ‘làm sao có cảm hứng’ và tập trung trả lời ‘làm sao để học tốt môn này’.

Có một cách để gia tăng cảm hứng học tập từ bên ngoài là hãy gắn hoạt động học tập với một hoạt động có cảm hứng. Ví dụ: mỗi khi học thì con có thể uống một ly café hay cacao, bật nhạc dìu dịu chẳng hạn thì sẽ cảm thấy hứng thú hơn khi học. Hoặc là khi con học có bố mẹ học cùng và liên hệ đùa vui các tình huống trong bài với đời sống. Chính những tương tác ấy giúp con có cảm hứng học hơn.

Dần dà khi học đều đặn và đúng phương pháp thì dần dần con sẽ có cảm hứng hơn sau mỗi lần chinh phục được một thử thách bài tập.

2-Về việc hổng kiến thức

Các con thường thú nhận là mình bị ‘hổng kiến thức’ và lấy đó làm lý do vững chắc cho việc mình học kém. Đó cũng là lý do khiến con cứ đần mặt ra không biết làm khiến bố mẹ ngồi bên cạnh cũng phát bực vì sự bất lực và kém cỏi của con (để rồi buông lời cay đắng làm con lại mất tự tin hơn nữa và càng tin tưởng vào sự kém cỏi bẩm sinh của mình). Giải pháp là bố mẹ cùng con tổng quát hoá lại bức tranh tổng thể về môn học.

Ví dụ: nếu con yếu môn Văn: cụ thể con yếu ở phần nào? ở phần lý thuyết trắc nghiệm hay ở phần viết bài văn? Bài văn thì có những dạng nào? Mỗi dạng thì dàn ý chuẩn là thế nào? Ngôn ngữ chuẩn sử dụng cho từng phần là gì?… Tài liệu chuẩn cho các điều này tìm ở đâu? Hỏi thầy cô? Mượn vở bạn gái học giỏi? Lên mạng tìm kiếm? Hỏi ChatGPT? Chỉ cần nắm vững các điều đó là xong. Con lại hỏi ‘ơ, nhưng cô giáo bảo con bị lỗi liên kết idea?’ ‘Thế con hỏi cô là sửa thế nào cho đúng ạ? hoặc hỏi bạn giỏi nhất lớp? hoặc hỏi ChatGPT cách sử lại cho đúng? rồi mình lưu lại.’ Thực tế, mỗi người chỉ mắc 10-20 lỗi thường gặp, mình khắc phục được hết là xong.

Ví dụ: nếu con yếu môn toán cũng tương tự: có những dạng bài nào? Con yếu ở dạng bài nào? Cơ sở lý thuyết dạng đó là gì (định lý, tiên đề?)? Các ví dụ giải mẫu cho các dạng bài đâu? Rồi bắt tay vào làm bài, chỉ làm bài có giải để tra cứu, sau mỗi bài cần so sánh với các bài tương tự đã làm và xem điểm mới là gì? Mục tiêu là để con thấy thực ra mỗi chuyên đề chỉ có khoảng 2-3 dạng, dù con có làm 20-30 bài thì các bài toán cũng chỉ là thay đổi phần nội dung câu chữ số liệu, chứ về mặt toán thì nó chỉ là 2-3 bài. Khi con nhìn thấy điều đó thì thấy à, việc học hoá ra không phải là mênh mông.

Người xưa từng đúc kết là “Học nhi tri, hành nhi tri, du nhi tri, khốn nhi tri” để chỉ bốn con đường để có hiểu biết: học để biết, làm (thực hành) để biết, đi ngao du giao thiệp để hiểu biết, và trải qua gian khó để hiểu biết. Ở giai đoạn này, các con đang trải qua giai đoạn ‘khốn nhi tri’ mình đang khổ vì kém và vì phải học đuổi, nhưng đó lại là cơ hội để mình có thể mài sắc năng lực học tập hiệu quả.

3-Khó khăn về tự giác học tập.

Bạn nhỏ phàn nàn: ‘lúc con học thì mẹ chẳng nhìn thấy, mẹ toàn nhìn thấy lúc con chơi’ hoặc ‘mẹ lúc nào cũng nhắc học đi học đi, trong khi con vừa mới đi học cả ngày ở trường về nghỉ một tí cũng không được’.

Giải pháp là con cần lập một thời gian biểu dành cho việc học tập. Đến giờ nào sẽ học môn gì, đến giờ nào thì sẽ chơi hay giải trí… Sau đó, mang ra hỏi xem mẹ có bổ sung hay nhận xét gì không. Con có thể băn khoăn ‘con sợ không làm theo thời gian biểu được’. ‘Không sao, con cứ làm đi để mình hướng theo lịch thì vẫn hiệu quả hơn là không có, mỗi khi mẹ giục học thì con giơ thời gian biểu ra để nói là đến mấy giờ mới là giờ học, bây giờ đang là giờ nghỉ… thì mẹ cũng đỡ stress’.

‘Nhưng mà con sợ không làm theo được vì nhiều khi con mải chơi nó cứ bị cuốn đi lố mất thời gian học bài’. ‘Thực ra, ai cũng dễ bị cuốn đi như thế, kể cả người lớn, cầm vào cái điện thoại là có khi mất cả mấy tiếng mới sực tỉnh còn bao nhiêu việc phải làm. Vậy con hãy đặt chuông báo thức đến giờ thì ngừng chơi, hoặc nhờ bố mẹ, nhờ anh chị em trong nhà đến giờ ấy nhắc con học bài, hoặc đến giờ ấy con tự nộp thiết bị điện tử cho bố mẹ để tập trung học hành’ ‘Vâng ạ.’

‘Thực ra, vấn đề không kỷ luật với việc học (và làm) ai cũng gặp, và có nhiều người đến khi nhiều tuổi vẫn chưa vượt qua được. Nếu con vượt qua được giai đoạn này và kỷ luật với mình thì cuộc đời sẽ có nhiều cơ hội mở ra sau này.’

‘Nhưng mẹ con bảo là con toàn chơi, kết quả thấp là minh chứng rõ nhất cho việc ấy.’ ‘Đúng rồi, nếu kết quả con mà tốt thì chắc chắn bố mẹ sẽ cho con chơi thoải mái. Nhưng giờ kết quả đang kém. Từ giờ đến lúc mà con có kết quả tốt (7 điểm trở lên) thì con phải cho mẹ thấy là con đã có điều chỉnh, con đang trong quá trình thay đổi, khi mẹ nhìn thấy hành động của mình thì mẹ sẽ có niềm tin rằng rồi mình sẽ tiến bộ. Ngay cả khi con kết quả không tốt dù con vẫn chăm chỉ học hành thì mọi người sẽ vẫn tôn trọng nỗ lực của con.’ ‘Từ giờ đến lúc thi tốt nghiệp còn có vài tháng nữa thôi, nhưng mà con cứ cố gắng lên là sẽ làm chủ được các môn này, và sau này cứ áp dụng cách đó để học các môn khác sau này. Bố mẹ cũng vất vả để làm tốt việc nuôi sống cả nhà rồi. Con cố gắng lên, có gì khó khăn thì lại gỡ tiếp’.

Thực ra, sẽ là không công bằng khi bố mẹ đòi hỏi con phải tự giác như mình ngày xưa vì mỗi thế hệ có những hoàn cảnh sống và thách thức riêng, và thế hệ này có nhiều sự cám dỗ dễ phân tán tập trung, nhưng nếu được đồng hành phù hợp thì các con sẽ có bước tiến nhanh và nhảy vọt hơn thế hệ của bố mẹ ngày xưa.

Hy vọng những chia sẻ này hữu ích với bố mẹ và các con.

(Thực ra, thầy nghĩ rằng nếu bố mẹ đồng hành với con sớm hơn, từ những năm đầu cấp 2 thì hành trình sẽ đỡ stress hơn rất nhiều)

Thầy HOÀNG

OLOGY

Xem thêm chia sẻ của thầy Hoangology ở đây:

    Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/ 

    Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends 

    YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish

    Cộng đồng phụ huynh: https://zalo.me/g/sosvra467 

Bài viết cùng danh mục