Lợi ích của kỹ năng nghe

Khoảng năm 2007-2008, thầy làm việc ở Sydney, Australia. Khi đó, công ty thuê nhà cho thầy ở cùng đồng nghiệp. Khi thi thuê một căn biệt thự rất đẹp, khi thì thuê căn hộ dịch vụ khách sạn của Quest North Ryde. Thầy rất thích khoảng thời gian ấy. Căn biệt thự và căn hộ khách sạn đều nhìn ra một khu rừng mùa thu tuyệt đẹp, đẹp với lớp áo vàng nâu của nắng thu và trong tiếng nhạc bật của những người trẻ xa và nhớ nhà.

Tất cả trải nghiệm làm việc, giao lưu cùng các đồng nghiệp Úc đa chủng tộc và khách sạn đều tuyệt vời và đáng nhớ. Chỉ có một biến cố nhỏ xảy ra. Lần đó, không hiểu sao Quest North Ryde không dọn phòng cho thầy và các đồng nghiệp trọng 3 ngày liên tiếp. Hai anh đồng nghiệp người Việt Nam xuống phàn nàn nhưng lúc lên thì lắc đầu ngán ngẩm vì người quản lý nói nhanh quá nên hai anh em nghe mà ù tai chóng mặt ong ong cả đầu không nói được gì cả vì chẳng hiểu mô tê gì mấy cả. Hai anh lên bảo thầy xuống vì thầy là người giỏi tiếng Anh nhất trong nhóm. Thầy xuống tới nơi, gặp anh quản lý người núng nính béo phị ục ịch cao to mặt bóng nhẵn. Anh nghe thầy phàn nàn xong xổ ra một tràng nhưng bắn súng liên thanh ấy. Người làm dịch vụ thường họ hay nói theo quy trình và nói nhanh như một cái máy ấy. Rất may là thầy nghe tốt (thầy nghe FULL điểm TOEIC Listening và IELTS Listening) nên dù chàng ta nói nhanh đến mấy thì thầy vẫn hiểu, vẫn tóm tắt và kết nối được nội dung hắn nói và rồi đáp lại rõ ràng rành mạch. Cuối cùng, chàng ta phải xin lỗi và ngay hôm sau một lá thư của cấp cao hơn đã được gửi vào phòng của thầy và của các đồng nghiệp để xin lỗi và họ cũng tặng voucher $100 để dùng cho dịch vụ ở khách sạn. Biến cố đó khiến thầy hiểu rõ tầm quan trọng của kỹ năng nghe hiểu và tất nhiên là trong lòng cũng vui vui vì giúp được anh em và cũng vui vì nỗ lực âm thầm của mình cũng có ngày dùng đến được.

Quay ngược thời gian trở lại khi thầy mới sang Singapore làm việc. Ngay tuần làm việc đầu tiên, sếp thầy đã dắt thầy vào phòng họp. Ôi trời ơi là trời đúng là một cuộc chiến. Các sếp từ team leader, project manager, senior engineer ‘cãi nhau’ (tranh luận gay gắt) với khách hàng end user, với đại diện tổng thầu EPC toán loạn cả lên. Tốc độ khẩu chiến kinh hồn. Thầy giật cả mình nhưng ngồi tí là hoàn hồn và lại thấy phê vì được luyện nghe hiểu trong môi trường thực chiến như thế. Thầy cũng ghi lại các nội dung họp cũng như kinh nghiệm thu được từ lần họp ấy.

Đến đây, có lẽ một số bạn sẽ băn khoăn hành trình học nghe của thầy thế nào nhỉ?

Hồi sinh viên, thầy nghe kém lắm. Nhưng mà thầy quyết định phải cải thiện kỹ năng nghe của mình. Và thầy cụ thể hoá việc này bằng các việc sau:

1-Buổi tối về nhà, thầy nghe VOA Special English (tốc độ chậm) khoảng 30-60’ trong lúc tập thể dục (chống đẩy, đá cầu) đánh răng, rửa mặt. Thầy cũng cắm tai nghe khi lên giường đi ngủ. Mỗi bài thầy nghe đi nghe lại khoảng 1 tháng. Mỗi lần nghe lại thấy nhận ra nhiều từ mình biết mà hoá ra âm thanh người ta nói khác với mình nghĩ. Khi nghe quen rồi thầy chuyển qua nghe VOA normal với tốc độ nói bình thường như trên bản tin.

2-Thầy tiết tiền dạy thêm mấy tháng để mua một thiết bị thu sóng truyền hình quốc tế về cắm vào máy tính để nghe các kênh tin tức CNN, BBC, kênh khám phá Discovery, Animal Planet… Lúc đầu cũng nghe không hiểu mấy nhưng thấy cứ nghe, nghe dần dần cũng quen.

3-Thầy mua một cái máy nghe băng Sony Walkman tàu và mang theo người để nghe tiếng Anh trên xe bus khi đi học và từ trường về. Sau này nó hỏng thì thầy lấy tiền dạy thêm mấy tháng để mua một cái usb mp3 giá 889k (hồi đó suất cơm có 5k nhá) lúc nào cũng treo lơ lửng ở cổ và cắm tai nghe mọi lúc mọi nơi.

Chăm chỉ là thế, nhưng giờ nghĩ lại thầy nghĩ rằng lẽ ra mình đã có thể nghe giỏi nhanh hơn trong thời gian ngắn hơn nếu biết phương pháp học mà thầy sau này đã phát hiện ra và áp dụng cho học viên của Hoangology English.

Bước ngoặt xảy ra là khi thầy đạt giải trong cuộc thi Olympic Tiếng Anh ở trường và tham gia vào câu lạc bộ tiếng Anh BFTE. Ở đó, thầy được anh chị chủ tịch tặng cho một đĩa giáo trình American Accent Training của Ann Cook. Thầy say sưa nghe cô ấy nói trong file và say sưa tập nói theo cho đúng trọng âm (intonation), đúng chỗ giản lược âm (reduced sound), đúng chỗ nối âm (connection) và đúng phát âm (pronunciation). Muốn học nghe tốt phải bắt đầu từ các nền tảng âm thanh đó. Mỗi câu trong sách thầy tập nói vài trăm lần tới khi trôi chảy. Thầy áp dụng điều này vào việc nghe trong bài thi TOEIC và chỉ trong 1 tháng đã đạt 900+. Thật không thể tin nổi. Sau này, thầy cũng áp dụng điều này khi học nghe đạt full điểm nghe IELTS Listening. Tất nhiên là còn nhiều kinh nghiệm khác nữa thầy chia sẻ dần trong các khoá học nhưng về cơ bản thì phải rất để ý tới các hiện tượng âm thanh, phải để ý ghi chú từng chỗ lên giọng, từng chỗ nối âm, từng chỗ phát âm lạ với mình, rồi tập nói lại và nghe lại nhiều lần cho đến khi tâm trí mình ngấm đẫm nội dung tới mức khi nghe câu đầu đã đoán được tiếp các câu sau sẽ nói tiếp như thế nào, cao thấp ra sao, cảm xúc kiểu gì…

Hoàn cảnh của các bạn trẻ bây giờ thì đã tốt hơn thầy ngày xưa nhiều rồi. Ta có các thiết bị điện tử để nghe mọi lúc mọi nơi. Ta được tiếp xúc với người bản ngữ từ sớm. Ta có vô vàn nội dung thú vị bằng tiếng Anh trên YouTube, Netflix để nghe suốt tuổi thơ. Nhưng mà để giỏi nhanh trong thời gian ngắn, để nghe có mục tiêu, để mài sắc kỹ năng nghe, để chinh phục bài nghe TOEIC và IELTS thì ta vẫn cần nghiêm cẩn áp dụng chỉ dần của thầy trong vài tháng. Chỉ vài tháng thôi là ta có kỹ năng nghe để dùng mãi mãi suốt đời.

Thầy HOÀNG

OLOGY

Xem thêm chia sẻ của thầy Hoangology ở đây:

    Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/ 

    Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends 

    YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish

    Cộng đồng phụ huynh: https://zalo.me/g/sosvra467 

Ảnh thầy mùa thu Sydney 2008

Bài viết cùng danh mục