Học tập quá tải, thi không như ý
Học tập quá tải, thi không như ý
Có bạn hỏi thầy thế này, nên thầy chia sẻ câu trả lời ở đây biết đâu hữu ích với ai đó nhá.
TRÒ:
E cảm thấy thời gian này em học đang không được hiệu quả. Vì em đang thi liên tục 5 môn tiếp thu quá nhiều kiến thức. Khiến k môn nào đạt được như em mong muốn. Thầy ơi thầy có thể cho e ý kiến về việc này k ạ. Làm sao để làm tốt tất cả ạ.
THẦY:
Thầy rất thích cách em đặt vấn đề ‘làm sao để tốt tất cả?’ vì câu hỏi đó hướng tới giải pháp tổng thể. Trong thực tế, thầy từng thấy nhiều cao thủ vừa học giỏi, vừa đi làm thêm, vừa học tiếng Anh, vừa có một đời sống bạn bè/yêu đương phong phú. Vậy họ đã làm thế nào? Thầy chia sẻ đôi dòng suy nghĩ nhé.
Theo thầy thì việc học giống như trồng cây, mình cần chăm bón đúng cách (học đúng phương pháp) và đủ ngày đủ tháng thì mới có kết quả cao được. Thế nhưng cuộc đời này nhiều cám dỗ lắm và thường thì nhiều người bị cuốn theo những thú vui nào đó cho đến khi deadline đã đến chân, ngày thi đã gần kề, nước đến chân mới nhảy thì học nhồi nhét.
Cũng có những môn có thể học đối phó bằng cách học gấp, luyện đề, luyện tủ trong thời gian ngắn để đạt điểm tối đa (thầy từng thấy nhiều bạn giỏi như vậy). Nhưng thường những gì dễ đến thì dễ đi. Những kiến thức học gấp gáp vậy thường cũng tan biến sau bài thi mà không đọng lại nhiều. Và không phải ai cũng có đủ năng lực trí tuệ và sức khoẻ để thức thâu đêm ôn thi gấp như vậy (thầy không có năng lực ấy). Mặt khác, không phải môn nào cũng có thể ôn gấp được. Nhiều môn cần sự tích luỹ trong thời gian đủ dài thì không thể giải quyết bằng cách ôn cận sát ngày thi. Và sau này trong cuộc đời, sự uyên bác cần một thời gian dài xây đắp chứ không thể có được trong thời gian ngắn. Rome wasn’t built in a day.
Thời sinh viên, thầy ý thức được 2 giới hạn của bản thân:
Một là thầy không có năng lực tư duy tốt như các bạn, nên không thể học ngắn hạn được mà phải học dần dần từ từ mới ngấm.
Hai là thầy không có nhiều thời gian vì còn phải đi làm thêm đóng học phí và trang trải cuộc sống. Đến lúc thi thì cũng không thể nghỉ làm, nghỉ dạy được, nên không thể học gấp thâu đêm, mà phải học từ từ dần dần.
Hai điều đó khiến cho thầy coi việc học tập là dự án trung/dài hạn. Ngay từ đầu học kỳ, thầy chăm chú nghe thầy cô hướng dẫn cách học môn học mới thế nào, lộ trình ra sao, bao giờ thì làm đồ án, bao giờ thì thi, tham khảo tài liệu thế nào… Rồi lên lịch và học dần dần đều đặn hàng ngày, hàng tuần. Ngày ngày, thầy ra khỏi nhà từ sáng sớm, đạp xe từ ngoại ô ra Văn Quán (Hà Đông) để gửi xe, rồi đi bộ khoảng nửa km tới bến xe Hà Đông bắt chuyến bus 21 đi lên trường Bách Khoa. Tranh thủ nghe tiếng Anh trên xe bus, hoặc ngắm nhìn đường phố và ngẫm nghĩ về tương lai. Lên trường vào lớp học cả buổi sáng. Để tiết kiệm thời gian thì thường thầy để sẵn cuốn vở tiếng Anh ở dưới vở ghi bài học. Khi nào, thầy cô kể chuyện nghề thì thầy mở ra liếc qua để ôn tập mà vẫn nghe được lời thầy cô. Thi thoảng thầy cô tự dưng đi ra ngoài hành lang nghe điện thoại hay đi đâu mất thì thầy mở bài tiếng Anh ra ôn tập. Giờ giải lao thì một nửa dành cho giao tiếp bạn bè và một nửa dành cho ôn tập tiếng Anh. Đến trưa đi ăn cơm hàng rồi lên giảng đường trống nằm nghỉ, thầy lại cắm tai nghe tiếng Anh cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Đến khi đau lưng quá thì thức dậy, lại mở sách ra học tiếng Anh chừng 1 tiếng rồi chuyển sang học chuyên môn. Có hôm thì lên thư viện trường, thư viện quốc gia hay thư viện khoa học kỹ thuật để đọc thêm. Thầy cũng thường tìm sách chuyên môn nhưng bằng tiếng Anh để đọc. Rồi đến chiều tối thì thầy lại đi dạy thêm đến tối mịt, (thi thoảng tạt qua nhà người yêu một lát) rồi lại bắt xe về, lại nghe tiếng Anh và ngắm nhìn phố xá lên đèn. Về nhà thì thầy lại học tập, nghiên cứu thêm về chuyên môn, dịch tài liệu tới tận khuya. Mùa hè cũng như mùa đông, năm này qua năm khác.
Cứ học đều đặn như vậy nên khi mùa thi đến thì thầy chỉ cần ôn tập lại và luyện dạng đề phù hợp là có kết quả tốt (trường có 3 cấp học bổng ứng với 7, 8, và 9, thì thầy được loại 8, nhá). Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là nhờ học cả một hành trình mà thầy có thời gian ngẫm ngợi và ngấm môn học nhiều hơn. Thậm chí thầy còn vẽ linh tinh minh hoạ và chép các bài thơ vui vui vào vở tự học ngày ấy. Phải học đủ chậm, đủ từ từ thì những kiến thức ấy mới dần trở thành một phần của mình được. Và khi ấy mình mới có tình yêu trong sáng với chuyên môn để rồi sẽ có những ước mơ hoài bão nghề nghiệp cao đẹp. Sau này, thầy mới hiểu rằng sự uyên bác về trí tuệ, sâu sắc về tư duy, phong phú về tâm hồn là một điều đáng quý vô cùng và phải được xây đắp từ những năm tháng tuổi trẻ ấy.
Khi thầy đi học thạc sỹ, cũng bận lắm, vừa học vừa làm, vừa con nhỏ, mẹ già ốm nằm viện. Nhưng vẫn theo phương chấm ấy rồi thầy cũng học xong ổn thoả và có kết quả tốt đẹp. Trong công việc sau này, việc cứ cặm cụi tự nghiên cứu dần dần cũng giúp thầy học và làm được nhiều việc khi không có ai hướng dẫn cả. Và cũng có được niềm vui khi ở một mình học học làm làm như thế. Khi mình đủ tập trung thì vũ trụ sẽ mở ra và tâm trí sẽ loé sáng nhiều ý tưởng bất ngờ mà hiệu quả.
Em thử áp dụng một vài điều thầy chia sẻ xem sao nhé.
Thầy HOÀNG
OLOGY
Xem thêm chia sẻ của thầy Hoangology ở đây:
Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/
Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends
YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish
Cộng đồng phụ huynh: https://zalo.me/g/sosvra467
Ảnh thầy mới xin được cuốn sách của bác Đặng Lê Nguyên Vũ ở Bảo tàng Cafe (ĐakLak)