Khi con quá tải
Học hành quá tải là một trong những vấn đề khiến nhiều bạn trẻ và phụ huynh đau đầu trăn trở. Thực tế, nhiều bạn ngoài việc học ở trường thì thường học thêm ngoài giờ quay cuồng dẫn tới quá tải, nhất là vào những năm đầu cấp hoặc cuối cấp học. Bố mẹ nhìn cũng xót xa và cũng rất hoang mang nửa muốn cho con nghỉ học thêm tiếng Anh, nửa tiếc vì con đã đi một chặng đường dài và chưa hoàn thiện xong các kỹ năng còn dang dở, nên không biết làm sao.
Vì vậy, thầy viết bài này chia sẻ một số góc nhìn từ trải nghiệm của thầy với tư cách là một phụ huynh hy vọng sẽ hữu ích với bố mẹ.
QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC HỌC
Quan điểm của thầy là con luôn cần hoàn thành bài tập đầy đủ - không có ngoại lệ - không thoả hiệp. Đây là tinh thần cần có của tất cả các cao thủ. Vậy nên dù nhà thầy có đi du lịch thì các con vẫn mang sách vở đi để làm bài tranh thủ để vẫn theo được chương trình ở trường và ở lớp học thêm. Nhờ tinh thần đó mà hai bạn nhà thầy dù không xuất chúng nhưng có được tinh thần trách nhiệm với việc học của mình và có được sự bền bỉ học tập suốt hành trình dài - và đó là hai tố chất cần có để hiện thực hoá mọi mục tiêu sau này. Kết quả là bạn Rùa (2011) lên cấp 2 thì đạt học sinh xuất sắc ở lớp và lớp 8 thì đỗ vào chuyên Anh Archimedes.
QUAN ĐIỂM VỀ SỰ QUÁ TẢI
Khi nghiên cứu kỹ các trường hợp con ngừng học, thầy thấy vấn đề thường không phải nằm ở sự hứng thú học tập. Mà vấn đề thường do ‘cảm giác quá tải’. Cảm giác quá tải là cảm giác khi mình thầy không có đủ thời gian để hoàn thành mọi việc như mình mong muốn. Nguyên nhân là do phát sinh thêm một số hoạt động (ví dụ như đăng ký thêm một lớp học mới). Thực tế, với một quỹ thời gian sẵn có, khi thêm một hoạt động mới vào, thì mình cần phải dành thời gian sắp xếp, tổ chức lại lịch của mình thì hoạt động mới đó mới được thêm vào một cách hợp lý và dần trở thành một phần cuộc sống. Nếu không thực hiện việc sắp xếp lịch này thì việc mới vào sẽ làm rối loạn hết các hoạt động hiện tại, dẫn tới cảm giác stress, quá tải, và cuối cùng dẫn tới từ bỏ một số hoạt động quan trọng lâu dài nhưng lại phải nhường chỗ cho hoạt động ngắn hạn trước mắt.
QUAN ĐIỂM VỀ SỰ THƯ GIÃN
Một nhu cầu rất quan trọng của con người, nhất là các bạn trẻ, là thư giãn. Nó quan trọng như ăn cơm uống nước vậy. Thế nhưng thời gian thư giãn này thường không được coi trọng đúng mực. Khi bị quá tải do khối lượng bài học tăng lên, theo bản năng, thường thì bố mẹ và các con sẽ hy sinh một phần thời gian thư giãn để dành làm phần bài tập tăng thêm. Việc này dẫn tới hệ luỵ là cơ thể chưa được nghỉ ngơi đầy đủ để tạo ra các hormone hạnh phúc tái tạo năng lượng và cảm hứng, mà lại phải học tập nhiều hơn. Thành ra, mức độ hạnh phúc càng giảm đi và mức độ áp lực ngày càng tăng lên. Đến mức độ nào đó thì bùm. Có bạn bị trầm cảm, có bạn thì buông bỏ hết các khoá học.
QUAN ĐIỂM VỀ SỰ PHÁT TRIỂN
Trong cuộc sống, mỗi người có sự giới hạn riêng. Khi khối lượng công việc đạt đến giới hạn thì ta có hai lựa chọn: một là quay trở lại trong vùng thoải mái comfort zone và bỏ qua cơ hội phát triển, hai là nâng cấp bản thân bằng cách tranh bị thêm năng lực mới để vượt ra khỏi giới hạn cũ và bước sang một thế giới mới. Hành trình phát triển của một người là hành trình đẩy lùi các giới hạn pushing personal limits liên tục trong suốt cuộc đời. Để có ngày hôm nay, khi đang viết những dòng chia sẻ này, thầy cũng đã từng nhiều lần đẩy lùi giới hạn của bản thân. Mỗi lần vượt qua được giới hạn, là một lần ta nâng tầm, vươn lên được một đỉnh cao mới và thấy nhiều cơ hội mới, nhiều điều thú vị hơn mở ra trước mắt. Nếu bố mẹ đồng hành trang bị được năng lực này cho các bạn nhỏ thì sau này các bạn ấy sẽ luôn phát triển không ngừng và có một cuộc đời nhiều trải nghiệm.
GIẢI PHÁP
Với các quan điểm trên, nhà thầy không tiếp cận theo hướng bỏ bớt hoạt động, mà tiếp cận theo hướng tổ chức lại, sắp xếp lại lịch sao cho có sự cân bằng giữa nhu cầu thư giãn và việc học tập.
Thầy chia sẻ cụ thể hai bạn nhà thầy để các bố mẹ tham khảo ạ.
Bạn Vừng nhà thầy (2014 - lớp 5) hiện đang học thêm 1 buổi toán offline vào tối thứ 7, hai buổi tiếng Anh online qua zoom vào tối T4 CN, một buổi văn online tối T3, một buổi toán cô kèm thêm ở trường, một buổi học bóng bàn (sáng T7), một buổi học võ (sáng T7), một buổi học mỹ thuật (sáng CN), một buổi học đàn (chiều CN). Ngày nào cũng tập đàn buổi tối 45-60 phút. (mới nghỉ 2 buổi bơi do vào thu trời lạnh)
Bạn Rùa (2011 - lớp 8) hiện học thêm 1 buổi toán offline vào tối T7, hai buổi tiếng Anh online qua zoom vào tối T3 T6, một buổi văn online tối T2, một buổi học bóng bàn (sáng T7), một buổi học võ (sáng T7), một buổi học đàn (chiều CN), một buổi học bóng đá (chiều CN). Ngày nào cũng tập đàn buổi tối 30-45-60 phút. (mới nghỉ 2 buổi bơi do vào thu trời lạnh)
Nhu cầu thư giãn chung của hai bạn là: xem iPad, đi cà phê sách mỗi tuần một lần. Rùa có nhu cầu vận động mỗi ngày (đá bóng, bóng bàn, pickle ball với các bạn trong khu). Vừng có nhu cầu vẽ tự do kiểu truyện tranh bằng chì vào cuốn sổ.
Giải pháp để cân bằng là kết hợp việc đi học và thư giãn. Cụ thể:
Sáng T7 sau khi dậy sớm học bóng bàn, cả nhà sẽ đi ăn món khoái khẩu của hai bạn là mỳ vằn thắn hoặc phở bò, rồi đến lớp học võ. Khi tan lớp học võ, mỗi bạn sẽ được uống một cốc nước (trà đào, sinh tố việt quất, matcha caramel macchiato).
Tối T7 bố mẹ đưa hai bạn đi ăn món khoái khẩu là cơm rang thập cẩm, hoặc thi thoảng là beefsteak Ba Duy rồi đưa vào lớp học toán. Thi thoảng sẽ được thưởng thêm một cốc nước trà chanh mang vào lớp.
Sáng CN, mẹ đưa vừng đi ăn sáng bằng món Bánh cuốn Cao Bằng rồi đi học nghệ thuật. Rùa ở nhà thì tự pha matcha kem tươi hai bố con nhâm nhi, vừa học bài, nghe nhạc.
Chiều CN bố đưa hai bạn đi học đàn, thi thoảng sẽ được ăn thịt xiên nướng, ăn chè, hoặc kem Mixue.
Cuối buổi chiều CN, Rùa đi học đá bóng thì bố mẹ và Vừng đi ăn Pizza 4P hoặc bánh cuốn phố cổ.
Buổi tối, cả nhà ra quán cafe sách Tranquil hoặc lên hiệu sách ở Lotte. Vừng học tiếng Anh online qua zoom. Rùa mang laptop tự làm bài tập. Vừa học vừa nhâm nhi cốc cacao Marou. Bố mẹ thì uống Cold Brew sấu và làm việc hoặc đọc sách. Học xong thì các con được thư giãn đọc sách hoặc dùng ipad hoặc vẽ vời vào sổ.
Hàng ngày, về nhà các con được sử dụng iPad để giải trí một cách hợp lý. Các con xem thấy cái gì hay hay lại mang ra khoe bố. Rùa thi thoảng lại nhớ ra chuyện gì ở lớp hoặc xảy ra trong lúc chơi thể thao thì lại ra kể chuyện với bố. Có bài tập nào khó (văn, toán, Anh, lý, hoá, sử, địa…) các bạn đều mang ra trao đổi với bố. Việc học đàn đôi khi gia giảm điều chỉnh 30-45-60 cho phù hợp, miễn sao duy trì đều đặn.
Nói chung, bằng cách đồng hành cùng con và kết hợp hoạt động học tập với các hoạt động thư giãn (dù hơi tốn kém tẹo), thì hiện tại, mọi chuyện vẫn đang diễn ra đúng hướng. Hai bạn học tập có sự bền bỉ đều đặn, có trách nhiệm với việc học của mình, vẫn có được niềm vui sống bên cạnh năng lực đối mặt với áp lực được nâng dần lên. Đặc biệt là bạn Rùa, chẳng có dấu hiệu stress học hành thi cử bao giờ cả. Đi học về là vất cặp sang một bên ôm bóng chạy mất xuống sân. Tối nào cũng tự pha nước uống, ăn, học, xem ipad giải trí, đánh đàn đều đặn… cứ đến giờ là học thôi.
Mỗi gia đình có thể sẽ có những cách sắp xếp khác nhau. Thầy tin là nếu bố mẹ và con cùng ngồi xuống, thống nhất quan điểm và bắt tay vào việc điều chỉnh kết hợp học tập và thư giãn thì rồi sẽ tìm được phương án tối ưu cho sự phát triển của con.
Hy vọng những chia sẻ này hữu ích với mọi người ạ.
Thầy HOÀNG
OLOGY
On-going Learning & On-going Growing Yourself
Xem thêm chia sẻ của thầy ở đây:
Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/
Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends