Khi con chép bài bạn và cách bố mẹ giúp con vượt môn yếu

Gần đây, có phụ huynh chia sẻ với thầy rằng mẹ ấy phát hiện ra con nhắn tin Zalo cho bạn cùng lớp xin bài giải để chép bài môn Toán. Mẹ đang băn khoăn chưa biết ứng xử thế nào cho phù hợp.

Thầy thấy đây là hiện tượng phổ biến ngày nay (cả lớp thường và cả ở lớp chọn). Cụ thể là ở lớp bạn Rùa nhà thầy cũng có hiện tượng học sinh xin chép bài của bạn và trả công 5k-10k/lần. Rùa cũng kiếm được kha khá tiền tiêu vặt nhờ môn Toán và môn Anh theo cách này. Vì vậy, thầy viết một vài chia sẻ thêm về cách xử lý trường hợp này nhé.

Trước tiên, thầy hỏi Rùa xem nếu con là phụ huynh trong trường hợp này thì nên làm gì? Rùa trả lời nửa đùa nửa thật là: phạt ạ, rồi nói ‘hãy là người cho chép, đừng là người đi chép’.

Trước khi đi vào giải pháp cụ thể, ta cần thống nhất tư duy chung là:

1-Help rather than shout (Hỗ trợ con thay vì mắng mỏ con)

2-Every problem is a great opportunity to grow (Mỗi vấn đề phát sinh của con là cơ hội để bố mẹ đồng hành trang bị cho con thêm năng lực mới) và trẻ có khả năng học hỏi từ mỗi vấn đề sau này sẽ có bản lĩnh vượt khó.

Khi có tư duy này, bố mẹ sẽ tránh được được cảm xúc tiêu cực mỗi khi thấy con làm gì đó ‘sai’ (vì sai lầm là quyền của tuổi trẻ và là điều tất yếu trong quá trình phát triển) và từ đó mới đủ sáng suốt để tìm nguyên nhân và giải pháp.

NGUYÊN NHÂN

Bố mẹ có thể cùng trò chuyện với con với thái độ bình thản, không phán xét, không mắng mỏ vì khi trẻ chép bài của bạn là trong lòng đã cảm thấy áy náy sai sai và lòng tự trọng đã bị ảnh hưởng rồi. Bố mẹ có thể nói:

“mẹ thấy con có xin đáp án của bạn, con nói kỹ hơn cho mẹ về việc này nhé, con cứ nói thật, mẹ không trách mắng đâu”

“con có khó khăn à”

Khi không có nỗi sợ bị trừng phạt, có thể con sẽ chia sẻ cụ thể vấn đề của mình và khi đó mẹ có thể hiểu rõ hơn về khó khăn của con. Thực lòng, không ai muốn phải đi chép bài của người khác cả.

Các vấn đề con nêu ra có thể sẽ chia thành hai nhóm nguyên nhân:

1-Con chưa sắp xếp thời gian hợp lý nên không kịp làm bài nên đành “chữa cháy” bằng cách nhờ bạn

2-Con học kém môn toán nên không làm được hoặc ngại/ngán làm toán

GIẢI PHÁP

Với vấn đề 1 thì giải pháp sẽ là điều chỉnh lại lịch sinh hoạt ở nhà sao cho phù hợp. Mẹ cho con đề xuất phương án sắp xếp lịch học, nếu con khó khăn thì mẹ gợi ý sẽ học bài nào trước, học gì sau, rồi làm gì… Sau đó, dán lịch mới ở góc học tập để áp dụng theo. Trong quá trình thực hiện lịch ở tuần sau đó, mẹ cần để ý hỏi con xem lịch đó có ổn không, có cần điều chỉnh gì thêm không.

Vấn đề 2 thì cần nhiều công sức hơn để xử lý. Với đặc điểm của bạn này là bạn nữ, lớp 6, thì thường kém môn toán. Mẹ bảo mặt bạn cứ đần ra, không suy nghĩ được gì khi làm toán, bố giảng rồi mà cứ ngẩn ra, làm bố tức phát điên phải bỏ cuộc nhận trông em bé để mẹ vào dạy con.

Mẹ thì cũng lúng túng không tự tin vì dù trình độ đại học nhưng sợ cách giải của mình khác với những gì con được học ở trường nên cũng hơi do dự.

Thực tế, thầy cũng đã có trải nghiệm hướng dẫn môn toán cho hai bé nhà thầy và Vừng (bé gái) cũng gặp vấn đề kém môn toán giống bạn này. Thầy nghĩ rằng thời gian cùng con làm toán là thời gian tương tác và giúp con phát triển nhiều kỹ năng quan trọng: kỹ năng ôn tập lý thuyết, kỹ năng so sánh bài mẫu/ví dụ với bài mới, kỹ năng phân tích bài toán, kỹ năng xử lý cảm xúc tiêu cực khi gặp vấn đề hóc búa, sự kiên trì từng bước trong việc giải quyết vấn đề, thái độ tích cực với mỗi lần sai…

Thế nên thầy vẫn luôn nhấn mạnh với các con là quan trọng là mỗi bài tập là cơ hội để mình luyện tập vận dụng kiến thức mới để xử lý các vấn đề tương tự nên quan trọng nhất không phải là mình làm được hay không, mà quan trọng là mình phải giỏi hơn sau mỗi bài tập.

Khi con gặp khó khăn mang bài Toán đến hỏi, thầy thường bảo con mở lại phần lý thuyết và bài tập ví dụ ra xem, rồi hỏi con xem bài này giống với bài mẫu nào. Nhiều khi hỏi đến đây là con đã nhận ra và đã giải quyết được bài của mình rồi. Mỗi lần con giải quyết được con sẽ thấy tự tin thêm. Vấn đề của các bạn nhỏ là còn lơ ngơ chưa quen với cách tư duy xử lý bài toán ấy vì mới làm một vài bài ở lớp thôi, giờ mở ra so sánh lý thuyết/ ví dụ là sẽ làm được ngay.

Thực ra, đây chính là yếu tố then chốt quyết định học lực. Chính việc để ý kỹ đến phương pháp học (lý thuyết / ví dụ mẫu) và để ý áp dụng vào bài tập quyết định sự tiến bộ nhanh chóng và vững chắc của người học - và có thể áp dụng với tất cả các môn. Bố mẹ cần nhấn mạnh điều này với con. Có thể hiểu nôm na là kiến thức mới học trong bài chính là vũ khí, con cần trang bị vũ khí ấy mới lâm trận chiến đấu với bài mới được. Nếu không ‘trang bị vũ khí mới’, con sẽ thua ngay từ trước khi cuộc chiến diễn ra.

Với bài toán hóc búa hơn, khi nội dung có điểm khác so với bài mẫu, bố mẹ cần cùng con vẽ sơ đồ tóm tắt. Việc này vô cùng cần thiết trong học toán. Khi đã vẽ sơ đồ rõ ràng thì mẹ và con mới có thể tư duy được và con mới thấy tính tương tự giữa các bài toán liên quan. Sau này, đến giai đoạn học toán hình, lại càng phải cẩn thận trong việc vẽ hình: dùng nét liền, nét đứt, nét đậm, nét nhạt, nhiều màu thì mới có thể giải quyết được vấn đề phức tạp. Thực tế, a problem well stated is a problem half solved. Một vấn đề được diễn giải rõ ràng (bằng sơ đồ) thì xem như đã giải quyết được một nửa. Thực tế, đề bài chính là gợi ý cho lời giải, đề bài luôn có chìa khoá để giúp mình đi tới đích. Bố mẹ cần nhấn mạnh cho con điều này. (Nhiều bạn nhỏ không có kỹ năng vẽ sơ đồ tóm tắt nội dung nên cần bố mẹ hỗ trợ)

Đôi khi, bố mẹ cũng có thể yêu cầu con đọc thật kỹ đề 3 lần cho kỹ. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc đề mà cứ như đọc truyện, đọc lướt lướt xong không đọng lại. Trong khi đó, việc đọc đề, thực tế là phân tích các mẩu dữ liệu. Do đó, con cần đọc đề to lên thành tiếng, và khi hết một dữ liệu cần dừng lại tóm tắt rồi mới đọc tiếp. Cứ như vậy con mới có thói quen phân tích đề và lần sau sẽ đọc bài rất nhanh. Kỹ năng đọc đề của con cần được bố mẹ đồng hành xây dựng bằng cách này.

Bố mẹ có thể coi con giống như nhân viên cấp dưới của mình - nhân viên năng lực yếu nhưng thái độ tích cực. Với nhóm nhân viên này, ta cần mô tả nhiệm vụ tỉ mỉ và hướng dẫn ‘cầm tay chỉ việc’ từng bước một, sau từng bước lại cần đúc kết, xâu chuỗi, tổng quát hoá thành cả bức tranh lớn. Với con học kém toán cũng vậy. Với tâm thế ấy thì bố mẹ sẽ không phát điên lên trong quá trình hướng dẫn.

Có lúc sau khi đã phân tích, vẽ sơ đồ tóm tắt rất kỹ từng bước, và bố mẹ đã giảng kỹ mà con vẫn không hiểu, bố mẹ đừng buông lời cay đắng nhé, vì con sẽ rất buồn vì đã kém lại còn bị mắng, mà ở lớp đã kém bị thầy cô mắng, bạn bè khinh giờ về nhà lại bị bố mẹ mắng - và trải nghiệm môn học sẽ gắn liền với các cảm xúc tiêu cực ấy. Thay vào đó, bố mẹ có thể giảng lại lần nữa chia nhỏ hơn nữa các bước, giảng xong mỗi bước, bố mẹ hỏi con hiểu chưa, thế bước tiếp sau mình làm gì nhỉ? Bố mẹ nên đưa các lời động viên khéo léo vào. Ví dụ: “nãy giờ mẹ thấy con thông minh hơn hẳn rồi nhé, nãy mặt còn ngu ngơ mà giờ đã biết giải bài này rồi, thảo nào mặt thông minh hơn nhiều” hoặc “giờ con đã giỏi hơn con của ngày hôm qua rồi” hoặc đập tay với con. Bố mẹ cũng nên đùa vui trong quá trình này, ví dụ: thầy làm động tác truyền công lực cho con và nói ‘ta đang truyền trí thông minh cho con đây’ hoặc chọc vào eo con nói ‘để tui bật nút thông minh / yêu toán lên nào’. Hoặc ‘chúc mừng con đạt điểm 6 nhá, mới hôm nào được điểm 3 mà giờ đã 6 rồi, cứ đà này chẳng mấy chốc mà lên 8-9-10’. Hoặc ‘con không nghĩ ra à, điều đó có nghĩa là gì? có nghĩa là bài toán này vẫn còn mới đối với mình, giờ mình cứ gỡ từng bước là rồi sẽ đến đích và bài toán sẽ thành quen thuộc’. Thế nên dù hai bố con thầy có dành hơn 1 giờ đồng hồ làm toán mà cứ như là đùa vui, con vẫn cười phớ lớ và kết thúc bài còn hát nghêu ngao. Nếu trải nghiệm với môn mình kém mà tích cực vì có người đồng hành thì con sẽ thích đến hỏi mình chứ không xin chép bài của bạn khác.

Một số bố mẹ hay mắng con:” sao mày ngu thế hử giời” “sao mày dốt hơn anh mày thế” “mày dốt nhất họ” “cả nhà này không ai như mày” thầy từng chứng kiến và em bé ấy mang trong lòng sự tự ti luôn nghĩ rằng mình kém (tư duy cố định fixed mindset) không tin tưởng vào sự thay đổi tích cực nhờ nỗ lực đúng phương pháp trong học tập và rồi chẳng đi đến đâu. Bố mẹ bạn thì không biết rằng chính mình là hại đời con.

Có lúc bài toán khó quá, bố mẹ cùng con phân tích rồi gỡ các kiểu mà không ra thì cũng là bình thường. Quan trọng là mình đã cùng nhau cố gắng. Quan trọng là con đã không đầu hàng ngay khi gặp khó khăn, mà con cùng bố mẹ đã cố gắng hết sức mình trong quá trình đi tìm lời giải. Sự luyện tập đều đặn này giúp con sau này không ngại việc khó, không ngại gỡ những vấn đề phức tạp, mà để làm được điều đáng tự hào trên đời thì người ta rất cần năng lực ấy.

Để việc học được quy củ thì bố mẹ có thể cho con đi học thêm cho bài bản đều đặn. Tuy nhiên, đừng phó mặc cho lớp học. Bố mẹ vẫn phải đồng hành cùng con một chặng (giống như đường dẫn lên cao tốc) cho đến khi con có thể học độc lập phát triển tốt cùng các bạn ở lớp (lên cao tốc phóng tốc độ cao).

Nếu mỗi lần con gặp khó khăn đều có bố mẹ đồng hành cùng con phân tích vấn đề, cùng nhau tìm giải pháp thì sau này con sẽ dần dần có được kỹ năng problem-solving. Ngôn ngữ bố mẹ dùng với con cũng định hình con là người có tư duy tích cực hay tiêu cực, có tư duy cố định hay tư duy phát triển (growth mindset).

Bạn Rùa nhà thầy thích thích toán và học khá môn toán nhưng khuôn khổ bài này là học sinh nữ và kém toàn nên thầy sẽ chia sẻ vào dịp khác nhé.

Thầy HOÀNG

OLOGY

On-going Learning & On-going Growing Yourself

Xem thêm chia sẻ của thầy ở đây:

    Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/ 

    Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends 

    YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish

Bài viết cùng danh mục