Chán là tốt hay xấu

Có mẹ tâm sự với thầy khi thấy con chán học môn toán mà chưa biết nói sao nên thầy viết vài dòng chia sẻ về điều này.

CHÁN LÀ CHUYỆN THƯỜNG

Cảm xúc con người lên xuống thay đổi là chuyện bình thường, lúc vui, lúc buồn, lúc cao hứng, lúc chán là điều bình thường. Khi nhìn dưới góc độ này ta sẽ đỡ hốt hoảng khi thấy chán. Vấn đề là khi cảm thấy chán, nhiều người dừng học, dừng làm và việc này gây gián đoạn việc chinh phục mục tiêu của bản thân.

CHÁN KHÔNG SAO

Nếu ta hỏi nhà toán học Ngô Bảo Châu, chắc ông cũng đã có giây phút nào đó chán làm toán. Nếu ta hỏi một giáo viên, chắc người ấy cũng có lúc chán dạy. Nếu ta hỏi một học sinh, chắc chắn người ấy có lúc chán học. Nếu ta hỏi bố mẹ ta, chắc họ cũng có lúc chán làm. Nên ta có chán một chút cũng không sao, quan trọng là ta vẫn luôn tập trung cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình dù chán hay hứng. Điều kỳ diệu là khi ta tập trung làm tốt việc của mình, cảm giác chán sẽ tan biến và thay vào đó là sự cuốn hút kỳ lạ.

CHÁN LÀ MỘT THỬ THÁCH

Trong bộ phim Karate Kid có chi tiết người thầy bắt học trò ngày nào cũng tập treo áo lên móc nhiều lần. Đúng vào lúc cậu bé chán ngán với việc tưởng chừng vô bổ ấy, thì cậu phát hiện ra rằng sự thực tập động tác treo áo đó đã khiến cho thân thủ của cậu nhanh nhẹn lạ thường. Thực ra, để trở nên xuất sắc một kỹ năng nào đó, người ta sẽ phải luyện tập thật nhiều. Và trong hành trình thực tập lặp đi lặp lại đó, cảm giác chán chắc chắn sẽ phát sinh. Người yếu đuối thì dừng lại, người bản lĩnh thì tiếp tục luyện tập cho tới ngày thành công. Đi qua hành trình ấy, người ta cảm thấy mình có sức mạnh để vượt qua bất kỳ trở ngại nào để hướng tới mục tiêu. Cách mà ta phản ứng với cảm giác chán sẽ quyết định ta đi được bao xa.

LÀM SAO CHO ĐỠ CHÁN

Nếu ta quan sát một em bé đang chán, ta sẽ thấy em bé nghịch lung tung xung quanh, và đó là gợi ý giải pháp. Khi chán, người ta thường sáng tạo, thay đổi, tìm hiểu thêm để có thêm cảm hứng. Ví dụ với việc học toán, ta có thể tìm hiểu thêm về ứng dụng của các công thức toán học trong thực tế, ta có thể đọc/xem phim về cuộc đời của các nhà toán học, ta có thể đọc các bài văn/thơ của dân chuyên toán… Tương tự, khi học tiếng Anh, thay vì chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ bài tập, người học cần tìm hiểu thêm các kiến thức liên quan tới bài học và liên hệ bản thân. Ví dụ, khi xử lý một bài đọc về tầm quan trọng của creativity, lớp mình lại có dịp tìm hiểu thêm về Six Thinking Hats của Edward de Bono hay biết thêm về câu đố kinh điển mà giải pháp là think outside the box.

SINH HOẠT HỢP LÝ

Có lần, mình có một học sinh đến lớp trong tâm trạng uể oải, học cả buổi cứ ngáp ngáp. Hỏi ra thì mới biết bạn ấy thức cả đêm xem hai trận bóng đá Euro. Thế thì mệt với chán là đúng rồi. Nếu ta thấy mình hay chán thì có thể xem lại cách sinh hoạt của mình đã hợp lý chưa: thời gian nghỉ ngơi, thời gian giải trí, thời gian vận động, chế độ dinh dưỡng đã phù hợp chưa. Rồi ta điều chỉnh lại cho hợp lý để mình luôn có sự tỉnh táo sảng khoái để trải nghiệm cuộc đời.

Nhìn lại, ta thấy hoá ra cảm giác chán không tệ như ta nghĩ, nó là sự khởi đầu của sự đổi mới sáng tạo, của sự nhìn nhận lại lối sống của bản thân để cân bằng lại, đó là cơ hội để ta rèn thêm nghị lực.

Thầy HOÀNG

OLOGY

On-going Learning & On-going Growing Yourself

 

    Xem thêm chia sẻ của thầy ở đây:

    Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/ 

    Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends 

    YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish

Bài viết cùng danh mục