Gặp việc khó thì sao?
Có bạn học viên lớp IELTS Online hỏi mình câu này, chắc nhiều người cũng từng gặp vấn đề này nên mình chia sẻ vài suy nghỉ ở đây nhé:
HỎI: có những ngày To do list toàn những việc mình không muốn làm, hoặc là những việc khó khăn mình đang không có định hướng để giải quyết nên kéo theo hệ quả là mình cứ để đó, trì trệ, ảnh hưởng tới tâm trạng thì phải làm như thế nào ạ thầy….
ĐÁP:
Thầy nghĩ rằng bản chất công việc không ảnh hưởng tới tâm trạng của mình, mà chính cách mình nghĩ mới quyết định tâm trạng của mình em ạ.
Cuộc đời có ngày nắng và có ngày mưa, đó chỉ là hiện tượng tự nhiên. Tương tự, có việc mình thích làm và việc mình không thích làm. Đó là điều bình thường và khách quan. Nếu mình không quyết định được bản chất công việc, thì mình cứ chấp nhận nó, không đặt kỳ vọng là nó phải làm cho mình vui hay không được làm cho mình buồn. Khi ấy, mình sẽ nhẹ lòng hơn.
Thầy nghiệm ra rằng chẳng có công việc nào trên đời mà 100% là mình thích cả, ngay cả khi mình được làm công việc mình đam mê thì sẽ vẫn có một phần (thậm chí là phần lớn) của công việc ấy là không dễ chịu, còn chỉ một phần là làm cho mình thích thôi. Khi nhận ra điều này, mình sẽ không còn thái độ tức bực khi phải làm việc mình không thích nữa - mà mình chấp nhận nó là điều bình thường. Việc thích và không thích giống như hai mặt của một bàn tay - không thể tách rời khỏi cuộc đời. Bản chất công việc vẫn vậy (thích-không thích đan xen), nhưng tâm trạng lại tuỳ thuộc vào cách nghĩ của mỗi người.
Thường thì khi gặp công việc mình không thích, người ta thường khó chịu và lảng tránh nó. Nhưng cũng có những khi việc ấy rất là quan trọng và không có ai làm thay được mà chỉ có mình thôi thì mình sẽ phải đối mặt với nó và tìm cách vượt qua. Nhiều khi những dịp ấy lại giúp mình có thêm động lực trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng, nhờ đó mà có thể khai phá những tiềm năng và hướng phát triển mới. Thầy từng bị một vài lần đẩy vào hoàn cảnh ấy, thế rồi sau này nhìn lại, lại thấy mình may mắn vì gặp thử thách ấy vào đúng giai đoạn ấy để có sự vững vàng sau này.
Cũng có những việc không thể dung hoà nổi vì nó trái với giá trị đạo đức và triết lý sống cốt lõi của con người mình. Khi ấy, mình có thể thuê/nhờ ai đó làm thay (nếu có thể). Hoặc trường hợp cực đoan quá lên tới cực điểm stress triền miên thì mình có thể cân nhắc chuyển đổi vị trí làm việc.
Sẽ có lúc mình gặp việc khó, nhất là càng lên vị trí cao lại càng nhiều việc khó hơn. Giải pháp có thể là hỏi chuyên gia, tham khảo ý kiến của sếp, đồng nghiệp, bố mẹ, anh chị, đọc sách liên quan. Hoặc là cứ lao vào làm thôi, phân tích công việc đó ra thành các thành phần cơ bản rồi xử lý từng phần một. Có những vấn đề cần thời gian để thực hiện thì mình lên lịch cụ thể cho việc ấy (ví dụ 9h-11h), để tránh bị stress triền miên. Cứ mỗi khi não lo nghĩ về công việc thì mình lại tự nhủ là ‘não ơi, chưa đến giờ nghĩ tới phần việc đó, tới 9h cơ, giờ thì hãy tập trung vào việc đang làm nhé, giờ nào việc ấy’. Thế rồi, mình lại tập trung vào làm việc mình đang làm. Bằng cách tập trung vào hiện tại như vậy thì mình sẽ làm ra được kết quả với những phần công việc khác với phần khó/bế tắc kia. Kết quả đó làm tâm trạng của mình tốt hơn và bổ sung được một nguồn năng lượng tích cực. Nhiều khi chính điều đó giúp mình loé sáng và nhìn ra hướng gỡ rối vấn đề tồn đọng.
Cũng có những khi trong cuộc đời chưa đủ nhân duyên, chưa đủ các nguồn lực: trí tuệ, kỹ năng, tài chính, thời gian, nhân lực để mình thực hiện được công việc đó. Khi đó, mình nên chấp nhận rằng mình tạm thời chưa thể giải quyết được nó ở thời điểm hiện tại, rằng làm gì có ai trên đời bách chiến bách thắng. Phải hội tụ đủ nhân duyên thì mới có kết quả. Rồi mình bắt đầu hành trình chuẩn bị các điều kiện, hỏi chuyên gia, nâng tầm bản thân, và hành động quyết liệt để thực hiện.
Thầy nhớ có một lần thầy giáo chủ nhiệm cấp 3 của thầy năm xưa chia sẻ rằng: “nếu các em đã cố gắng hết mình mà mình vẫn không thành công, thì không phải buồn, vì các em đã cố gắng hết mình, các em cần vui và chúc mừng bản thân vì điều đó.” Câu nói ấy cứ đi theo thầy mãi về sau này, và mục tiêu của thầy nhiều khi chỉ là cố gắng làm hết những gì mình có thể ‘just try your best, and God will do the rest’ còn việc có thành hay không thì còn ý trời nữa. Nhưng mà nghĩ thế mình nhẹ nhõm và dần dần thầy nhận ra được một điều kỳ diệu là: không phải ai cũng có năng lực cố gắng hết mình đâu - nhiều người chỉ khai thác được một phần năng lực của bản thân trong suốt cuộc đời, còn người luôn cố gắng làm hết mình thì sẽ có được niềm hạnh phúc liên tục và bền bỉ suốt cả cuộc đời.
Hy vọng những chia sẻ này hữu ích với em. Chúc em luôn cố gắng hết mình nhé.
Thầy HOÀNG
OLOGY
On-going Learning & On-going Growing Yourself
Xem thêm chia sẻ của thầy ở đây:
Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/
Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends