NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐÃ TỪNG XUẤT CHÚNG

Sáng ra, có một mẹ gửi cho mình một bài post có tít như thế. Đại khái câu chuyện kể về một bạn trẻ từng là Chuyên toán Lam Sơn, quán quân một vài kỳ thi, bỏ học ĐH, làm một số việc, rồi 2025 thì về phụ giúp bán tạp hoá (và làm trà) cho gia đình. Mẹ ấy băn khoăn không biết nói thế nào với con về câu chuyện ấy. Chắc mẹ muốn con rút kinh nghiệm sao cho vừa học tốt lại vừa thêm kỹ năng mềm để sau này còn tìm việc tốt.

Câu chuyện trong post kia chỉ nhắc tới về bán tạp hoá chứ không nói về việc sản xuất trà cùng gia đình như trong clip gốc khiến cho câu chuyện khác đi đáng kể về tính chất: về bán tạp hoá hay về phụ quản lý việc kinh doanh của gia đình.

Xét TH1: nếu chỉ là về bán tạp hoá cho gia đình thì nhiều người coi đó là một bước lùi. Thực ra, mình thấy làm việc gì cũng là làm việc cả và bán hàng tạp hoá cũng là công việc cần được coi trọng. Việc bán tạp hoá nhìn qua thì thấy là giản đơn và nhiều rủi ro khi ngày nay nhiều nền tảng đặt hàng online khuyến mại tơi bời, free ship với chính sách đổi trả dài ngày khiến cho ngày càng ít khách mua ở tạp hoá truyền thống. Tuy nhiên, cùng việc bán hàng với một người trẻ năng động thì có thể bạn ấy sẽ có cách tiếp cận rất mới, để tiếp nối nền tảng khách hàng customer base cùng với kinh nghiệm expertise nhiều năm của cha mẹ thì rất có thể sẽ nâng nó lên tầm mới. Ở đây, ta chưa đủ thông tin để đánh giá về việc bạn ấy đang làm.

Xét TH2: bạn ấy về phụ bán hàng tạp hoá và tham gia vào điều hành công việc sản xuất trà của gia đình. Sau một khoảng thời gian tự lập xa nhà, cũng va vấp qua một số công việc, và đến độ tuổi phù hợp, cộng với nền tảng gia đình sẵn có thì có thể bạn ấy bắt đầu nghĩ tới việc về tiếp quản dần dần việc kinh doanh của gia đình. Với độ tuổi bạn này gần 30 thì bố mẹ cũng vẫn còn trẻ, nhưng bố mẹ cứ chuyển giao dần dần thì đâu đó vài ba năm là bạn ấy nắm hết được mọi việc.

Với trường hợp bạn trẻ này, thì mình nghĩ năng lực học tập của bạn ấy đã được thui rèn qua môi trường chuyên Lam Sơn rồi (mình có một vài người bạn và một vài học trò học trường này và đều là những cao thủ trong học tập, học đỉnh và chịu áp lực tốt) nên việc tiếp cận và học hỏi những điều mới là hoàn toàn không khó khăn gì. Việc lựa chọn rời Hà Nội để về nhà làm trong công việc kinh doanh gia đình chắc cũng có tính toán bàn bạc kỹ trong gia đình, mà bố mẹ làm kinh doanh và sản xuất đồng thời như vậy chắc chắn là những người dầy dạn kinh nghiệm rồi. Có thể bạn ấy thấy lựa chọn trở về sẽ mang tới cuộc sống hạnh phúc hơn và nhiều niềm vui hơn (về tiền có lẽ không phải là quá quan trọng với bạn ấy nữa vì gia đình chắc cũng có điều kiện). Tất nhiên là thách thức ở giai đoạn mới với bạn và gia đình là bị hàng xóm, họ hàng, bè bạn nghĩ là ‘thất bại’ là ngày xưa học giỏi thế mà không thành ông này bà nọ, chủ doanh nghiệp nọ hay sếp công ty kia. Thực ra, thành ông này bà nọ, sếp nọ sếp kia chắc gì đã hạnh phúc bằng self-employed hay làm family business và ở quây quần bên bố mẹ ở một thành phố cũng đủ tiện nghi mà không quá áp lực bon chen như thủ đô.

Đến đây, mình nghĩ đến một người bạn đại học ngày xưa cũng học chuyên Lam Sơn. Anh ấy học giỏi lắm, mình không theo kịp, lại còn giỏi đánh đàn guitar, luôn chủ động xông xáo học ngoại ngữ. Nhà có ba anh em đều đỗ đại học và giỏi giang. Bố thương binh hạng nặng mất một chân nhưng vẫn mở kinh doanh tiệm vàng ở tỉnh. Đến thăm nhà anh ấy, mình thấy bác ấy dán lên tường lời dặn các con học xa nhà:” Con người ai cũng có những cái thiếu và cái yếu, điều quan trọng là ta phải luôn học hỏi trau dồi để khắc phục những mặt yếu và phát huy điểm mạnh của mình.” và mình khá tâm đắc với điều đó và luôn tự nhắc nhở bản thân từ đó đến giờ. Đến năm thứ 2 đại học, đang ở chuyên ngành khá hot, thì một hôm, anh bạn than thở với mình là thấy bí bách quá, muốn bỏ học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) để đi làm kinh doanh. Hồi đó, mấy thằng nghe cũng hơi sốc, chỉ biết lắng nghe an ủi thằng bạn phút nông nổi trẻ trâu. Mình ngày ấy cũng chưa biết tương lai sẽ ra sao, bức tranh tương lai mờ mờ ảo ảo tranh tối tranh sáng như thế hệ trẻ trong Rừng Na Uy của Murakami ấy. Bẵng đi một thời gian, mấy thằng cũng làm đồ án tốt nghiệp ra trường. Anh bạn cầm tấm bằng giỏi cất đi rồi lên đường nam tiến Management Trainee cho Unilever, quay ngoắt 180 độ đi theo con đường bán hàng tiêu dùng nhanh FMCG. Cả lớp lắc đầu lè lưỡi vì chẳng liên quan gì tới chuyên môn (hồi ấy mình vẫn còn làm system engineer chứ chưa rẽ ngoặt sang dạy học, nên cũng lác mắt nể anh bạn quá.) Lúc đầu, cũng thấy chật vật vì không được học ngành kinh tế nên thua thiệt hơn các bạn đúng ngành. Nhưng mà với năng lực học tập và khát khao theo đuổi điều mình muốn thì rồi anh ấy cũng có công việc vững chắc, lấy vợ, mua nhà, rồi chuyển sang định cư ở New Zealand.

Quay trở lại câu chuyện là bố mẹ chia sẻ gì với con về câu chuyện của anh chàng trong câu chuyện ban đầu. Mình nghĩ rằng đó là một con người giỏi về năng lực học tập và có nền tảng gia đình tốt nên có nhiều lựa chọn hơn. Với năng lực ấy thì bạn ấy hoàn toàn có khả năng đảm nhận tốt công việc sản xuất kinh doanh của gia đình và đưa nó lên tầm mới. Nếu bạn ấy không có năng lực học tốt thì sao? Thì ‘không có cửa’ mà được bố mẹ chuyển giao công việc cho đâu. Thành ra, quan trọng nhất với các bạn trẻ bây giờ là phải có năng lực học tập tốt và đa dạng linh hoạt (không chỉ chuyên môn mà còn nhiều kỹ năng khác nữa: ngoại ngữ, công nghệ, giao tiếp…) thì mới có thể đón nhận được nhiều cơ hội từ cuộc sống ngoài kia hay từ trong công việc của gia đình. Khi ấy, mình mới có thể ngẩng đầu lên mà sống, chẳng quan tâm ai đó nói nọ nói kia. Còn với tư cách bố mẹ, mình chỉ cần con mình trở thành một con người có ích và hạnh phúc, còn tiền bạc là phù du, quyền lực và danh tiếng là hư ảo. Tất nhiên, để đến đích đó thì bố mẹ cần đồng hành cùng con trong quá trình học tập (học tốt sau này không sợ không nuôi được mình), gợi mở và nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp cho bạn trẻ.

Thầy HOÀNG

OLOGY

On-going Learning & On-going Growing Yourself

Xem thêm chia sẻ của thầy Hoangology ở đây:

    Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/ 

    Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends 

    YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish

    Cộng đồng phụ huynh: https://zalo.me/g/sosvra467 

Ảnh thầy ở Cầu treo Buôn Đôn - có hệ cây siêu siêu khổng lồ vô cùng ấn tượng

Bài viết cùng danh mục