Ứng phó với tình huống bất ngờ

Có bạn học viên hỏi mình câu này chắc cũng là vấn đề ai cũng từng gặp, nên mình chia sẻ một vài suy nghĩ ở đây.

HỎI:

Thưa thầy, em muốn hỏi làm thế nào để ứng phó với những tình huống không may xảy ra, những tình huống đột nhiên đến làm lệch toàn bộ kế hoạch học tập và lịch mà bản thân đã đề ra ạ? Mong thầy cho em xin lời khuyên ạ. Em cảm ơn thầy ạ

ĐÁP:

Về câu hỏi của em, thầy thấy có hai khía cạnh mình có thể quan tâm là: SUY NGHĨ và HÀNH ĐỘNG.

Về SUY NGHĨ:

Nếu ta quan sát hành trình một dòng sông chảy ra biển, ta sẽ thấy rằng không có dòng sông nào chảy theo một đường thẳng lý tưởng cả mà đều có nhiều khúc uốn quanh. Việc mình lên kế hoạch cũng vậy, giữa ‘kế hoạch’ và ‘thực tế’ luôn sẽ có những có sự khác biệt. Khi mình hiểu sự thật khách quan này thì mình sẽ không bực bội mỗi khi có chuyện phát sinh, mà thay vào đó, mình dùng năng lượng vào việc linh hoạt tìm giải pháp để vượt qua vấn đề giống như con sông ‘uốn mình’ qua những gập ghềnh để rồi bền bỉ vượt qua tất cả để lao về biển cả.

Về HÀNH ĐỘNG:

Khi tình hình thay đổi: cụ thể là phát sinh thêm một việc mới, thì kế hoạch của mình phải thay đổi theo. Giải pháp tình thế lúc này là sắp xếp lại lịch cho phù hợp. Ví dụ: tạm thời bỏ một số việc đi (ví dụ: cắt thời gian sử dụng mạng xã hội), thay đổi trình tự thực hiện (đảo việc quan trọng lên), giảm bớt thời gian (rút ngắn thời gian ăn và ngủ, dậy sớm hơn, ăn nhanh hơn, đổi hình thức ăn), lùi một số lịch chưa khẩn cấp (lùi lịch hẹn hò ăn chơi xuống cuối tuần hoặc sang tuần), kết hợp một số việc vào thời gian chết.

Nếu việc phát sinh đó thành việc lặp lại lâu dài thì cần điều chỉnh lại lịch mới và tuân thủ theo.

Tìm nguyên nhân việc phát sinh và tìm giải pháp để tránh phát sinh lại sau này.

Công thức hoá giải pháp để tối thiểu hoá thời gian xử lý nếu vấn đề phát sinh lặp lại.

Tính thêm một khoảng thời gian dự phòng cho việc xử lý việc phát sinh (ví dụ để một buổi sáng cuối tuần).

Nếu mình cứ chủ động trong suy nghĩ và hành động như vậy thì dần dần theo tháng năm, mình sẽ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề và dần dần bản lĩnh hơn. Cùng một tình huống phát sinh nhưng với người ít kinh nghiệm thì sẽ hốt hoảng lo lắng và tức bực, nhưng với người dạn dày bản lĩnh thì họ bình tĩnh xử lý từng bước một.

Việc phát sinh vấn đề sẽ còn tiếp diễn tới cuối cuộc đời, mình càng chủ động đối mặt thích nghi và giải quyết vấn đề sớm trong khi còn trẻ thì sau này cuộc đời càng thuận lợi và happy. Mỗi vấn đề phát sinh sẽ là một bước đệm stepping stone để giúp em phát triển lên tầm cao mới.

Chúc em sẽ luôn phát triển không ngừng.

Thầy HOÀNG

OLOGY

Ảnh minh hoạ nhân vật chính đang nghĩ cách đối phó với tên gây rối sau lưng không cho uống trà 😎 

Xem thêm chia sẻ của thầy ở đây:

    Facebook của thầy: https://www.facebook.com/hoangology/ 

    Cộng đồng học viên: https://www.facebook.com/groups/hoangologyfriends 

    YouTube: https://www.youtube.com/c/HoangologyEnglish

Bài viết cùng danh mục